Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đứng đầu và đứng thứ nhất

Trung Nguyên| 04/07/2010 07:05

(HNM) - Người xưa dạy: Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Nói cho vắn là chất quý hơn lượng. Câu ấy luôn đúng, trong mọi lĩnh vực. Vì thế, các nhà xuất khẩu, nông dân Thái Lan đã "nâng cao vấn đề" quá. Chuyện thế này...


Cách đây ít ngày, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, Việt Nam có thể vượt Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trước năm 2015. Cụ thể, năm 2009, Thái Lan xuất khẩu 8,6 triệu tấn, năm 2010, có thể giảm xuống 8 triệu tấn... Và họ bày tỏ lo ngại sẽ không còn là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất.

Nhưng như trên đã nói, chất quý hơn lượng.

Giá gạo của Thái Lan và Việt Nam ngày càng chênh lệch. Bảng theo dõi giá của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc cho thấy giá gạo loại 5% tấm của Thái Lan năm 2008 cao hơn gạo cùng loại của Việt Nam 68 USD/tấn. Đến năm 2009, khoảng cách này được nới lên tới 123 USD, gấp gần 2 lần. Còn năm 2010, "tỷ số" là bao nhiêu?

Tại sao giá gạo Thái Lan lại cao hơn gạo Việt Nam? Câu trả lời không quá khó khăn khi độ đồng đều, chất lượng gạo của họ tốt hơn, các khâu chế biến, bảo quản... họ cũng làm tốt hơn... Như vậy, dù xuất khẩu khối lượng ít hơn, chả chắc họ đã đạt kim ngạch thấp hơn. Giá cao hơn, người nông dân, doanh nghiệp Thái Lan cũng thu lợi nhiều hơn. Trên thực tế, người làm nông nghiệp Thái Lan còn hưởng giá trị gia tăng nhiều hơn nữa bởi họ tổ chức sản xuất, phân phối... tốt hơn nhiều.

Bao giờ người nông dân Việt Nam mới có thể xoa tay hoan hỉ bởi bán lúa gạo ít hơn nhưng thu nhập tốt hơn? Và không chỉ người nông dân, nhiều ngành sản xuất khác cũng vậy.

Chúng ta đâu cần, đúng ra là đâu được đứng đầu khi đứng đầu kiểu không phải... đứng thứ nhất. Các nhà xuất khẩu, nông dân Thái Lan quả "nâng cao vấn đề" quá, cảnh giác quá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đứng đầu và đứng thứ nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.