(HNM) - Những vụ sụt lún liên tục xảy ra trên đường phố TP Hồ Chí Minh hiện nay, nguyên nhân theo Sở GTVT là do thi công vướng phải các công trình ngầm. Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP, Sở GTVT TP cũng dự báo tình hình sụt lún mặt đường sẽ vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới do các công trình ngầm hiện hữu hết sức phức tạp.
Mê cung trong lòng đất
Mặt đường nội thành TP. HCM bị sụp lún liên tục thời gian gần đây.Ảnh: Từ An
Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó GĐ Sở GTVT, vì các dự án lớn trên địa bàn như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang vào giai đoạn cuối, nhà thầu đang phải thi công ở những vị trí khó, vốn được "để dành" từ trước đến nay như các giao lộ, ngã tư, có giao cắt với những công trình ngầm như điện, nước, điện thoại… và đây là nguyên nhân của các vụ sụt hố ngày càng nhiều. Lý do là khi thi công đụng phải công trình ngầm, nhà thầu phải dừng lại để cùng phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý, và trong lúc dừng đã tái lập mặt đường tạm gây ra sụt lún. Có thể "điểm danh" các vị trí đó ở đường Phạm Văn Hai, Lê Văn Sỹ nối vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ nối vào cầu Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng nối với cầu Bông…
Khi các vụ sụt hố xảy ra liên tục, hầu như ngày nào cũng có và dư luận lên tiếng bất bình về hành vi thi công tắc trách thì các nhà thầu cũng lên tiếng "kêu oan" là việc thi công rất khó khăn, vì các công trình ngầm dưới đất như… mê cung, không biết đường nào mà lần! Các chuyên gia xây dựng, giám sát thì không đồng tình và cho rằng trước khi xây dựng các nhà thầu phải khảo sát, nghiên cứu kỹ địa bàn mới đưa ra phương án thi công chứ không phải thi công "mò" để rồi khi vướng công trình ngầm sụp lún rồi bao biện. Tuy nhiên, các nhà thầu lại cho biết là khi chuẩn bị thi công đã khảo sát, cập nhật kỹ thuật các công trình bên dưới, nhưng khi đào xuống lại gặp các ống nước, đường dây điện, điện thoại... hết sức "bất ngờ" mà bản vẽ của các cơ quan chức năng cung cấp, thậm chí khảo sát trước đó cũng không thấy. Lý do là hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của TP được hình thành qua nhiều thời kỳ như thời Pháp, thời chính quyền Sài Gòn và sau năm 1975 nên nhiều tài liệu về các công trình ngầm đã bị thất lạc hoặc không được cập nhật đầy đủ. Vì vậy, dù có biết những vị trí đó có công trình ngầm, nhưng không biết cụ thể ở điểm nào; thậm chí có hệ thống cấp nước mà chính đơn vị quản lý cũng không biết nó còn hay không…
Cần nhanh chóng có quy hoạch ngầm!
TP Hồ Chí Minh đang phát triển rất nhanh, do đó những công trình ngầm dưới lòng đất là một lợi thế tất yếu. Để giải tỏa áp lực tăng dân số trên mặt đất, không gian ngầm trong tương lai không chỉ là đường ống nước, cáp điện, tàu điện ngầm, bãi đậu xe mà còn là trung tâm thương mại, văn phòng công sở và thậm chí khu vui chơi… Vì vậy, hiểu rõ hệ thống ngầm của TP không phải chỉ để xây dựng các công trình không bị vướng, mà còn là xây dựng các công trình ngầm hiện đại trong thời gian tới. Hiện TP đã quy hoạch nhiều công trình ngầm như các bãi đậu xe ngầm, tuyến metro và một số trung tâm thương mại…, thế nhưng vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể không gian ngầm của TP. Điều đó khiến các công trình quy hoạch xong sắp triển khai có khi phải ngừng lại vì vướng một công trình ngầm khác.
Theo Sở QH-KT, từ năm 2007 TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác để thực hiện việc quy hoạch không gian ngầm theo quy định về xây dựng phát triển đô thị của Chính phủ. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được những việc cụ thể về quy hoạch không gian ngầm. Trong khi đó, từng ngành kỹ thuật như điện, cấp thoát nước vẫn phải xúc tiến quy hoạch ngầm ngành của mình mà không thể chờ một quy hoạch chung. Vấn đề đặt ra là những công trình này có phù hợp với quy hoạch chung của TP sau này, sẽ kết nối với các hệ thống ngầm hiện hữu như thế nào để tránh "ma trận" dưới lòng đất như hiện nay… Vì vậy, rất cần một quy hoạch không gian ngầm chung, bài bản để đầu tư, xây dựng chứ không thể đụng đâu sửa đó như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.