Thời gian gần đây, thông tin về táo xuất xứ Trung Quốc đang lưu thông trên thị trường bị nhiễm độc khiến người tiêu dùng hoang mang. Thế nhưng kết quả kiểm tra, phân tích dư lượng hóa chất trên các mẫu táo nhập khẩu từ Trung Quốc của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NN&PTNT chỉ ghi nhận dư lượng chất cấm trong ngưỡng cho phép lại khiến người tiêu dùng thất vọng.
Kết quả này thiếu sức thuyết phục không có tác dụng trấn an dư luận. Trước đó, vào tháng 5, khi dư luận xôn xao trước thông tin từ chính báo chí Trung Quốc là cải thảo của nước này sử dụng chất formaldehyde để giữ tươi lâu, Cục BVTV vào cuộc để rồi cho rằng, Việt Nam nhập khẩu không đáng kể cải thảo. Trong khi không cần phải thống kê cụ thể, không cần số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng có thể thấy, cải thảo Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, khắp các ngõ ngách, từ chợ dân sinh tới các siêu thị, trung tâm thương mại…
Điều đáng nói là, trước bất kỳ một thông tin phát hiện chất độc hại nào trên nông sản Trung Quốc nhập khẩu, cơ quan chức năng của nước ta cũng vào cuộc hết sức chậm trễ, kết quả kiểm tra lại không đáp ứng được mong đợi của người dân. Tất nhiên việc chọn mặt hàng, lấy mẫu kiểm tra, thời gian tiến hành… phải theo quy định song mặt hàng kiểm tra nào cũng an toàn, mẫu kiểm tra nào cũng phát hiện dư lượng chất cấm nhưng đều trong ngưỡng cho phép, kết quả đó liệu có đáng tin?
Thực thi nền kinh tế thị trường và mở cửa, cơ quan chức năng cần công bố công khai, cụ thể cho người tiêu dùng là những loại hàng hóa qua kiểm tra, được phát hiện có độc hại thì mức độ độc hại đến đâu, có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không, cách phòng tránh, hạn chế ra sao… để doanh nghiệp nhập khẩu phải suy nghĩ, người tiêu dùng phải tự cân nhắc trước khi sử dụng. Sự thẳng thắn ấy sẽ tạo chỗ dựa tin cậy, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng trước một thị trường sản phẩm hàng hóa mênh mông, đa dạng, đang còn nhiều thật giả lẫn lộn như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.