(HNM) - Đồ Rê Mí, chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi đã qua 6 năm lên sóng vẫn có sức hấp dẫn không chỉ với các em nhỏ. Tuy nhiên, để có thể hay hơn, tránh đi vào lối mòn ở những mùa giải trước, Đồ Rê Mí 2012 đã đẩy các bé vào áp lực phải
Mỗi tối chủ nhật, khi chương trình Đồ Rê Mí 2012 lên sóng, khán giả từ nhỏ đến lớn đều háo hức. Sân chơi này được quan tâm ngay từ khi mới khởi động các vòng thử giọng, chọn thí sinh. Ấy vậy mà khi bắt vào những vòng cuối cùng của hành trình Đồ Rê Mí năm nay, chương trình đã gây ra sự phản ứng trái chiều, đáng chú ý nhất là những ý kiến cho rằng Đồ Rê Mí đã làm "già hóa" các tài năng âm nhạc nhí.
Một chương trình truyền hình hoàn toàn thuần Việt, điểm hấp dẫn nhất của Đồ Rê Mí là nét hồn nhiên của thơ trẻ cộng với những tài năng vượt trội được phát hiện, nuôi dưỡng và tạo điều kiện phát triển. Có lẽ, trước sức ép của quá nhiều show truyền hình mua bản quyền nước ngoài cũng như việc được lên sóng VTV3 - kênh truyền hình ăn khách nhất cả nước vào "giờ vàng" - đã khiến người làm chương trình năm nay gắng gỏi đổi mới. Sự cố gắng tưởng như là hay, là tốt, không ngờ tạo hệ lụy không mong muốn. Trên các website, diễn đàn, trên mặt báo rất nhiều phản ứng chê trách BTC, cho rằng các em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, vốn hồn nhiên, vô tư giờ phải gắng gượng "lên gân lên cốt". Trong từng show diễn, các thí sinh nhỏ tuổi phải thử sức mình qua nhiều phong cách âm nhạc, những bài bản mà đôi khi chính những thí sinh lớn tuổi, được đào tạo âm nhạc bài bản và đã trải qua các cuộc thi âm nhạc cũng cảm thấy "khó nhằn". Như thể là Sao mai - Điểm hẹn (SMĐH), một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình dành cho người lớn đang diễn ra cũng thời điểm, các thí sinh Đồ Rê Mí cũng có đêm phong cách rock. Thí sinh SMĐH thử sức trong show hát với nhóm bè thì các bé Đồ Rê Mí cũng phải hát với ban nhạc. Thí sinh SMĐH hát tiếng Anh thì các bé Đồ Rê Mí cũng không chịu kém, được thử sức với những show quá khó như "nhạc kịch"… Bé Gia Linh đã phải cố hát cho hết ca khúc "Bạch Đằng giang" của Lưu Hữu Phước, Bảo Trân phải gồng mình với "Rock cánh diều"; hay Nhật Tiến và Băng Giang phải đóng vai Trương Chi - Mỵ Nương với những động tác gây hài không phù hợp với con trẻ… Có những lúc con trẻ xuất hiện với trang phục như người lớn, những đôi "bốt" cao quá đầu gối đi kèm bộ trang phục xéo chỗ này, hở chỗ kia, tóc tai cứng ngắc như thể xịt keo quá nhiều... Với bộ dạng ấy, lại phải thể hiện những ca khúc quá sức, vũ đạo cầu kỳ, có lúc các bé trông rất tội nghiệp.
Đó là những gì trên bề mặt sân khấu mà người xem có thể thấy được. Còn đằng sau những màn diễn thu hút người xem có thể còn những điều không phù hợp khác. Giám khảo Thái Thùy Linh, với những dòng tâm sự của mình trên facebook đã vén một phần hậu trường khắc nghiệt của Đồ Rê Mí, như chuyện các bé không được ăn uống no khi lên sân khấu, tập luyện tới 11h/ngày, chạy đua với sự gấp gáp của một chương trình truyền hình… cho thấy Đồ Rê Mí 2012 là sân chơi quá khắc nghiệt đối với con trẻ.
Những gì Đồ Rê Mí đã làm được cần được ghi nhận. Bên cạnh những tiết mục quá sức vẫn có nhiều ca khúc, tiết mục đáng yêu, xem đi xem lại không biết chán. Việc BTC quyết định tất cả thí sinh phải hát trực tiếp khi ghi hình đã phản ánh trung thực tài năng của các bé, một nỗ lực lớn mà nhiều chương trình truyền hình khác không làm được. Tuy nhiên, như đã nói, giá như nhà tổ chức đừng bắt các bé phải già trước tuổi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.