(HNM) - Sẽ là đúng đắn nếu các nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha quyết
Phẩm giá là một nguồn năng lượng vô hình, một thứ doping tâm lý đóng vai trò quyết định trong mỗi khúc khải hoàn của "Cuồng phong đỏ" suốt 4 năm qua, kể từ khi họ cắm cờ chinh phục trên đỉnh cao Châu Âu, trong một đêm thành Vienne rạng rỡ. Kể từ đó, khi dong buồm vượt qua mũi Hảo Vọng tại VCK World Cup 2010, hay ở chiến dịch bảo vệ ngai vàng tại mùa hè Đông Âu rực lửa hiện tại, Tây Ban Nha vẫn luôn ngẩng cao đầu, nhập trận với một thứ "nghi biểu đế vương" đích thực, với vị thế hoàn toàn vượt trội so với tất cả phần còn lại.
Họ là kẻ mạnh. Họ tìm kiếm chiến thắng bằng những đợt công kích ào ạt. Họ áp đặt lối chơi bắt buộc những kẻ thách thức phải phạm sai lầm, hay ít nhất cũng khiến đối thủ phải co cụm chống đỡ hòng tìm mọi cách để sinh tồn. Họ chỉ cần quan tâm đến việc nung chảy mọi phòng tuyến, chứ không phải bất cứ khái niệm chiến thuật nào khác.
Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu Tây Ban Nha vẫn cứ tỏ ra mạnh mẽ ở vị thế "bề trên" như vậy trước Croatia, chẳng có gì là bất ngờ khi tiền vệ nhạc trưởng Xavi tuyên bố: "Chúng tôi không quen với việc thi đấu vì một kết quả hòa 2-2" và cũng không có gì là quá mơ mộng khi các cổ động viên Italia, trong nỗi ám ảnh của cơn ác mộng EURO 2004 (bị loại phút chót bởi trận hòa 2-2 giữa Thụy Điển và Đan Mạch), tin tưởng rằng Tây Ban Nha "sẽ chiến đấu vì danh dự của những nhà vô địch".
Chiến thắng nằm trong tầm tay thầy trò Del Bosque và họ thực sự cần chiến thắng để "độc chiếm" ngôi đầu bảng C, cũng như để rộng đường lựa chọn đối thủ ở tứ kết (sẽ gặp đội nhì bảng D). Chiến thắng trước Croatia là một mục tiêu đúng đắn.
Tuy vậy, giả sử Tây Ban Nha đủ mạnh để có thể hoàn toàn khống chế mọi diễn biến trước đối thủ Đông Âu, thì việc hướng đến tỷ số hòa 2-2 (hòng gạt Italia ra khỏi cuộc chơi bằng các chỉ số phụ) cũng không phải là một nước cờ thiếu sáng suốt.
Thực tế là thực tế, mà muốn thành công trong cả chiến dịch, đôi khi người ta cũng cần những quan điểm thực tế. Italia, với màn trình diễn xuất sắc trong trận mở màn, đã bộc lộ rằng họ chính là địch thủ đáng gờm nhất đối với "đương kim thiên tử". Chỉ có Squadra d'Azzurra mới có thể thiết lập một hệ thống phòng ngự - phản công chủ động và hữu hiệu đến như vậy, cho dù chắp vá rách nát về lực lượng, cho dù bị bủa vây bởi hàng loạt thứ áp lực tinh thần.
Đối thủ ấy, như thói quen của họ suốt chiều dài lịch sử, sẽ càng lúc càng trở nên đáng sợ nếu được tiến sâu vào giải. Giả sử còn một lần tái ngộ, thì lần đó sẽ chính là trận chung kết và Tây Ban Nha sẽ gặp lại một Italia đã "đầy nanh đủ vuốt" và gắn kết hơn nhiều.
"Trừ hậu họa", bởi vậy, sẽ là một ý tưởng không tồi và cũng không phải là không thể thực hiện. Đánh những đòn phủ đầu sấm sét, nỗ lực ghi hai bàn chớp nhoáng vào lưới Croatia, từ từ "hạ nhiệt" trận đấu, lần lượt thay thế trụ cột bằng các cầu thủ dự bị, dẫn dắt đội bóng Đông Âu san bằng cách biệt bởi các sai lầm cá nhân… Người Italia đang cầu nguyện để kịch bản đó không trở thành hiện thực.
Song, đúng đắn và hợp lý, trái tim và lý trí, lòng kiêu hãnh và sự khôn ngoan… tất cả mới đều chỉ là giả thiết. Tây Ban Nha có thực sự đủ sức mạo hiểm trước một Croatia "sẽ noi gương Italia" khi đối diện với mình hay không và song song với cuộc đọ sức ấy, Italia có đánh gục được một Ireland chỉ còn cơ hội cuối để vớt vát danh dự hay không, vẫn là những câu hỏi mở mà chỉ thời gian có thể trả lời.
Những giọt nước mắt tức tưởi của Cassano 8 năm về trước chưa chắc đã lại phải một lần nữa nhỏ xuống, dù cho (hoặc bởi vì) tất cả mọi kết cục, dù bi thương hay hạnh phúc, vẫn đều có thể xảy ra…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.