(HNM) - Cơ chế, chính sách quá lạc hậu, không phù hợp với đặc thù lao động, sáng tạo của nghệ sĩ chẳng còn là chuyện mới. Nhưng gần đây vấn đề này lại được xới lên với mong mỏi lớn nhất không nằm ngoài mấy chữ
Đây cũng không phải là chuyện kêu riêng cho nghệ sĩ, mà thực sự là một trong những việc phải làm để Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới" thực sự đi vào cuộc sống.
NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết: Theo nghị định 161, các diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn được chia làm 3 ngạch với 26 bậc lương. Trường hợp của ông, là NSND, nhưng hiện nay vẫn không thể lên được ngạch 2 trong 3 ngạch lương dành cho diễn viên. Đã có công văn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị đặc cách cho trường hợp này nhưng Sở Nội vụ không đủ thẩm quyền, phải chuyển lên Bộ Nội vụ giải quyết. Câu trả lời cuối cùng là Bộ Nội vụ không có chức năng này! Không riêng gì NSND Hoàng Dũng, các nghệ sĩ uy tín và có nhiều đóng góp khác như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương cũng chịu cảnh tương tự.
Còn biết bao nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có tính hàn lâm như nhạc kịch, vũ kịch, âm nhạc cổ điển thì sao? Đất diễn ít ỏi, số lượng khán thính giả hiểu và yêu mến nghệ thuật hiếm hoi, trong khi công sức, thời gian đầu tư, khổ luyện để biểu diễn lại vô cùng lớn. Mức bồi dưỡng cho luyện tập, biểu diễn thì lạc hậu tới khó tin: Với các nghệ sĩ bình thường là 10 nghìn đồng bồi dưỡng/một buổi tập và 30 nghìn đồng/một buổi diễn. Các nghệ sĩ có danh hiệu khá hơn đôi chút, nhưng vẫn không tương xứng.
Không chỉ ảnh hưởng tới mức sống, tái đầu tư cho sáng tạo của nghệ sĩ, những quy định này còn "trói tay" khá nhiều hoạt động khác. Để quảng bá cho tác phẩm nghệ thuật của mình, các đơn vị nghệ thuật Nhà nước đang bị ràng buộc bởi những barem đã rất "xưa" rồi. Điều này làm hạn chế sự ảnh hưởng của những tác phẩm của không ít đơn vị có thương hiệu cả về đội ngũ diễn viên, đạo diễn, kịch mục... mà Nhà hát kịch Hà Nội là một ví dụ.
Vì thế, các đơn vị nghệ thuật phải tính bằng cách nới rộng thời gian để nghệ sĩ có thể tham gia vào các chương trình, các hoạt động bên ngoài nhà hát; giảng viên đi dạy thêm ngoài giờ, nghệ sĩ sân khấu tham gia đóng phim… Xé rào phần nào bảo đảm sự ổn định đời sống, nhưng là một nỗi khổ tâm của người muốn làm nghề chuyên nghiệp.
Dỡ bỏ những rào cản làm công chức hóa nghệ sĩ kỳ thực là tạo điều kiện cho nghệ sĩ được "chính chuyên" với nhà hát, đơn vị nghệ thuật của mình. Có như thế, mới mong nghệ thuật sống để mà phát triển được. Vì vậy, nhà quản lý đừng mãi nâng lên đặt xuống !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.