Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng coi thường hiểm họa "nhân tai"

Vũ Duy Thông| 08/10/2013 05:30

(HNM) - Cách đây khoảng 10 năm, có một phong trào làm thủy điện. Dự án lớn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự án dưới 30MW phân cấp cho địa phương phê duyệt, theo dõi đầu tư xây dựng.

Khi đó, cả nước làm thủy điện, tận dụng mọi khả năng làm thủy điện, vắt từng kilôoát điện ở mọi nơi nếu còn có thể, không tính toán kỹ tới hậu quả về môi trường, thiệt hại về tài nguyên rừng, đời sống của người dân vùng thượng lưu và hạ lưu các hồ chứa. Đến khi có những dấu hiệu bất thường, Chính phủ phải vào cuộc, tiến hành thanh tra, kiểm tra và kết quả của các đợt thanh, kiểm tra đó là đưa ra khỏi quy hoạch điện toàn quốc 405 dự án (tức không xây nhà máy thủy điện ở những nơi này nữa), không tiếp tục xem xét 172 dự án đang được chờ để thông qua, chấn chỉnh đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng những dự án dở dang, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình đang vận hành để tránh sự cố có thể xảy ra. Chủ trương này của Chính phủ rất được hoan nghênh và người ta tạm yên tâm một phần trước tình hình thời tiết ngày càng bất thường do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhưng rồi sự "yên tâm" đó không được bền lâu. Chỉ với cơn bão số 10 vừa qua đi vào miền Trung đã gây rất nhiều thiệt hại về người và của, trong đó riêng thiệt hại do xả lũ của các hồ thủy điện khiến hàng nghìn hộ dân nháo nhác, dư luận xã hội bất an đã là hồi chuông cảnh báo không thể xem thường. Cơn bão số 10 mang theo mưa lớn phụ họa với lượng mưa cũng lớn không kém từ cơn bão số 8 trước đó đã làm nước các con sông từ Thanh Hóa tới Quảng Ngãi dâng cao bất thường, nước tràn về các hồ chứa, buộc các hồ này phải xả lũ ở mức cao nhất. Không chỉ thế, 4 đập ngăn nước bị vỡ, hàng trăm đập khác rò rỉ, càng làm những hộ dân không được thông tin đầy đủ, chưa có kinh nghiệm tránh lũ hoảng sợ. Do xả lũ cấp tốc, nước hồ thủy lợi Vực Mẫu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm ngập 20.000 ngôi nhà, hàng trăm héc ta rau màu của nhân dân thị xã Hoàng Mai. Xả lũ đột ngột với lưu lượng lớn ở các công trình Thủy điện A Vương, Đăkmin 4 (Quảng Nam) đã làm ngập lụt các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, TP Hội An. Hồ thủy điện La Hiêng 2 (Phú Yên) xả lũ khiến một vùng rộng lớn phía hạ lưu ngập nhiều ngày liền... Giờ đây, sau nhiều năm vận hành đã có thể kết luận được hồ thủy điện là nguyên nhân chính đang làm chết dần các con sông như Thu Bồn, Vu Gia, sông Côn, giết chết các loài thủy sản, gây tình trạng có mưa to bất thường nếu không xả lũ thì trên úng ngập, nếu xả lũ thì gây lụt phía hạ lưu. Bài học đắt giá đó càng đắt hơn nếu các hồ chứa bị vỡ, nước từ các cơn lũ nhân tạo khủng khiếp đó sẽ cuốn trôi người, nhà cửa, hoa màu phía dưới, làm biến dạng địa hình, đất canh tác đã ổn định nhiều trăm năm.

Cho nên, vừa qua đã có một đợt chấn chỉnh việc xây dựng thủy điện được đánh giá là tốt. Vậy không nên dừng ở đó mà nên có đợt thanh tra, kiểm tra kỹ hơn, quy trách nhiệm lãng phí, tham nhũng trong việc làm thủy điện tới từng cá nhân. Cũng nên thành lập thanh tra chuyên ngành xây dựng hồ đập để hạn chế tình trạng bớt xén, qua loa khi xây dựng các con đập, tình trạng phổ biến hiện nay ở các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng coi thường hiểm họa "nhân tai"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.