Nước trái cây có nhiều đường thường dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa, trong khi các loại nước ép rau quả thường có nhiều muối và có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.
Trẻ em phát triển tốt nhất khi được ăn sữa mẹ, ít nhất là cho đến khi 6 tháng tuổi, nhưng tốt nhất là cho đến khi trẻ được một năm tuổi. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không phải bà mẹ nào cũng cho con bú đến 1 tuổi vì một loạt các lý do. Nhiều bậc cha mẹ cũng tỏ ra lo lắng khi bắt đầu cho con làm quen với nước trái cây và thức ăn xay nhuyễn. Trẻ có thể uống nước trái cây khi được 6 tháng tuổi nhưng phải pha loãng, bởi nước trái cây có nhiều đường thường dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa, trong khi các loại nước ép rau quả thường có nhiều muối và có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận ở trẻ.
Để yên tâm hơn khi cho con uống nước trái cây và nước hoa quả, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa.
Học viện Nhi khoa Mỹ, trong một ấn bản năm 2001 của tạp chí "Nhi khoa", đã có khuyến nghị nên chờ đến khi con được 6 tháng tuổi mới nên cho con uống nước trái cây hoặc nước hoa quả xay nhuyễn. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng cho trẻ uống nước trái cây nhằm mục đích thay thế số lượng sữa mẹ hoặc sữa bột mà trẻ ăn hàng ngày, trong khi trên thực tế sữa mẹ phong phú hơn nhiều về các chất dinh dưỡng như protein, chất béo và khoáng chất. Đó chính là lý do mà mặc dù các loại nước ép trái cây và thực vật là một nguồn calo và giàu vitamin và chất chống oxy hóa nhưng cũng không thể cung cấp cho trẻ phát triển bình thường và khỏe mạnh như sữa mẹ.
Nước ép hoa quả
Nước ép trái cây tự nhiên thường chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng quan trọng khác, nhưng đặc biệt thường có nhiều đường fructose. Trẻ 6 tháng tuổi tiêu thụ một chút đường fructose thì được coi là tốt, nhưng quá nhiều sẽ dẫn đến vấn đề sức khỏe. Theo "Bách khoa toàn thư về dinh dưỡng con người" (Encyclopedia of Human Nutrition), trẻ sơ sinh tiêu thụ nhiều nước ép trái cây mỗi ngày sẽ có liên quan tới chậm phát triển chiều cao, béo phì, sâu răng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mãn tính, tăng nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2 và không phát triển mạnh trong những năm sau.
Khi chế biến nước trái cây tươi, không tiệt trùng ở nhà phải hết sức cẩn thận, nhất là chế biến cho trẻ sơ sinh, bởi nếu để nhiễm bẩn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể gây ra bởi trái cây bị ô nhiễm và có thể lan truyền từ đường ruột của bé đến thận và dẫn đến tổn thương, trầm trọng hơn sẽ dẫn đến tiêu chảy và ói mửa quá mức.
Nước ép rau củ
Một số nước rau ép rau củ có hàm lượng natri cao, rất có hại cho thận, đặc biệt là cho thận của trẻ em. Theo cuốn sách "Sinh lý học con người: Phương pháp tiếp cận tích hợp" (Human Physiology: An Integrated Approach) thì mức độ natri cao là độc hại đến các cơ quan lọc máu và các chất lỏng trong cơ thể, chẳng hạn như thận và gan. Hơn nữa, nồng độ natri tốt đối với người lớn lại có thể gây tổn hại cho thận của em bé, đặc biệt là tiêu thụ trong suốt nhiều tuần và tháng. Nước ép rau tươi có hàm lượng natri thấp, nhưng không tiệt trùng và như nước trái cây, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng, như đã nói ở trên.
Các khuyến nghị
Nên nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu càng tốt, có thể đến 1 tuổi là được. Nếu không thể, cũng đừng quá vội vàng mà nên chờ đến khi bé được ít nhất 6 đến 8 tháng tuổi mới nên cho trẻ uống các loại nước trái cây và nước ép rau củ. Nên chọn các loại trái cây tự nhiên chất lượng cao hoặc chọn nước ép rau có lượng natri thấp đã được tiệt trùng và pha loãng với nước tinh khiết trước khi cho em bé tiêu thụ. Nên pha loãng 50% hoặc 75% khi trẻ mới tập ăn, uống thêm. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc cho con bú, thay đổi chế độ ăn uống cho bé và các dấu hiệu sớm của suy thận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.