Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông: Lợi cả đôi đường

Việt Nga| 27/09/2013 06:38

(HNM) - Dưới sự chủ trì của Sở Thông tin và Truyền thông, lần thứ hai, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, truyền hình cáp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội đã cùng cam kết dùng chung hạ tầng nhằm lợi cả đôi đường là tiết kiệm nguồn lực đầu tư và góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị.

Trong số hơn 5.000 trạm BTS, có hơn 1.000 trạm được các doanh nghiệp sử dụng chung. Ảnh: Trần Hải


Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai đề án dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông BTS (trạm thu phát sóng) cho các DN cung cấp dịch vụ di động tại quận Hoàn Kiếm từ năm 2010. Cụ thể, Sở TT-TT đã cùng với UBND quận Hoàn Kiếm giới thiệu, tạo điều kiện cho các DN sử dụng 10 vị trí là các cơ quan nhà nước để lắp đặt BTS. Mô hình này đã được khuyến khích và nhân rộng trên toàn địa bàn TP, các nhà mạng cùng dùng chung trạm BTS theo phương thức "một đổi một", hoặc thuê lại của các DN xây dựng hạ tầng. Đến nay, trong số hơn 5.000 trạm BTS, có hơn 1.000 trạm được các DN sử dụng chung. Riêng trong năm 2013, VMS-MobiFone khu vực 1, Chi nhánh Viettel Hà Nội và nhà mạng Vietnamobile cam kết sử dụng chung 270 trạm… Việc dùng chung BTS đã đem lại lợi ích cho chính các nhà mạng, khi tiết kiệm nguồn lực đầu tư, tiết kiệm thời gian, nhất là tránh được phiền hà (nếu có) khi bị người dân phản đối lắp đặt BTS bằng khiếu kiện… Nhưng, đó mới là các trạm BTS, còn với hệ thống đường dây thông tin, truyền hình cáp đi nổi được treo, móc chằng chịt gây mất mỹ quan đường phố và còn là mối nguy hiểm đe dọa đến an toàn của người dân sẽ được xử lý như thế nào? Từ năm 2009 đến nay, TP và các quận đã triển khai 61 dự án hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi, kết hợp với chỉnh trang đô thị tại các quận nội thành, trong đó có nhiều tuyến đã hoàn thành. Thực tế, tại nhiều tuyến phố trung tâm, phố mới, khu đô thị mới, các DN đã thực hiện hạ ngầm đường dây thông tin của đơn vị mình. Vì vậy, trong cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phát triển hạ tầng viễn thông vừa qua, lãnh đạo 13 DN BCVT, truyền hình cáp đã cùng ký cam kết dùng chung hạ tầng, trong đó có nội dung quan trọng là ngoài việc dùng chung BTS, thì DN sở hữu công trình ngầm dùng chung có trách nhiệm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung đã được xây dựng theo quy định. Được biết, VNPT Hà Nội và Viettel là những đơn vị tham gia đầu tư xây dựng công trình ngầm theo hình thức xã hội hóa từ năm 2010.

Như vậy, với việc 13 DN kinh doanh dịch vụ BCVT, truyền hình cáp trên địa bàn cùng nhau thống nhất hợp tác, cam kết chia sẻ hạ tầng cho thấy các DN đã tạm gác "cái tôi" để cùng nhau vì mục tiêu chung lớn hơn là góp phần trả lại bộ mặt mỹ quan đô thị. Nhưng, cơ chế chính sách cho sự hợp tác này còn không ít vướng mắc. Đó là, hiện nay việc quản lý các công trình ngầm này đang do Sở Xây dựng thực hiện và theo quy định, trước năm 2014 sẽ bàn giao quản lý lại cho Sở TT-TT. Việc quản lý sớm hay muộn sẽ được trả về cho đúng cơ quan chuyên ngành, song từ đó đặt ra không ít vấn đề liên quan đến chính sách giá thuê. Đã 3 năm nay, TP chưa có khung giá thuê cho các công trình ngầm, mà thực hiện bằng cách tạm tính ở mức nhất định. Đó cũng là điều dễ hiểu khi đại diện Công ty CMC cho rằng, đồng ý mức giá tạm tính như hiện nay, nhưng DN không thể biết cụ thể mức giá thuê hạ ngầm là bao nhiêu? Đó là vấn đề của các DN đi thuê lại, còn với những DN bỏ tiền đầu tư theo hình thức xã hội hóa, thì việc thu hồi vốn sẽ là bao lâu? Còn nữa, phần nhiều dự án hạ ngầm là của Nhà nước, tất nhiên mục đích lớn là phục vụ công ích, nhưng chưa có khung giá thuê, việc thu hồi vốn càng chậm.

Hy vọng, sắp tới Sở TT-TT sẽ tiếp nhận bàn giao quản lý các công trình ngầm và với vai trò là cơ quan tham mưu chuyên ngành, Sở tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để sớm hoàn thiện bản khung giá thuê của các công trình ngầm. Đó cũng là cách tạo hành lang hợp tác bền vững cho các DN trong ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông: Lợi cả đôi đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.