Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng cho ý thức... “nghỉ Tết” !

Lê Nhật Huy| 19/02/2010 06:54

(HNM) - Bộ GTVT cho biết, trong 3 ngày Tết của năm Canh Dần (từ ngày 13 đến hết 15-2-2010), cả nước xảy ra 160 vụ tai nạn giao thông, 105 người đã tử vong, 133 người khác bị thương.


Cũng trong dịp Tết, trong hơn 14.000 trường hợp cấp cứu do tai nạn thì tai nạn giao thông chiếm 50%, đặc biệt là có tới 650 ca cấp cứu tai nạn giao thông do không đội mũ bảo hiểm. So với cùng kỳ của dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu thì tuy số người tử vong giảm (6 người) nhưng lại tăng thêm 31 vụ tai nạn.

Những con số đó nói lên điều gì?

Như vậy, xét trên lý thuyết, nhìn một cách tổng thể qua những con số thống kê tai nạn giao thông của 3 ngày Tết thì chúng ta đã đạt được mục tiêu "kiềm chế" cả về số đầu vụ và số người tử vong. Tuy vậy đó vẫn chưa phải là tín hiệu đáng mừng. Có thể thấy, 365 ngày của một năm trôi qua, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa chuyển biến là bao. Do đó vẫn chưa xây dựng được "cái gốc", cái nền tảng để đẩy lùi một cách bền vững số vụ tai nạn giao thông và làm giảm số người tử vong.

Mức độ nghiêm trọng của thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra thì đã được nhắc đến và phân tích quá nhiều. Nay chỉ xin được đề cập tới một khía cạnh khác. Ngày Tết - dịp các gia đình sum họp, đoàn viên, chất men - chất xúc tác trong các bữa cơm, bữa tiệc là điều không thể thiếu. Nhưng dùng ra sao, dùng như thế nào trước khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông lại tùy thuộc vào ý thức của từng người. Những lo ngại về điều này đã được cảnh báo trước. Nhưng có vẻ rất ít người quan tâm đến chuyện "biết rồi, khổ lắm"... năm nào cũng nói đến này. Dường như dịp Tết được nghỉ, không phải đi làm, ý thức của từng người về lĩnh vực an toàn giao thông cũng được cho... xả hơi luôn.

Không chỉ có vậy, ngày Tết, ra đường, ai cũng muốn đẹp khi diện những bộ quần áo mới. Và với không ít người, chiếc mũ bảo hiểm, trở nên “vướng víu” trong đi lại. Lại còn có suy nghĩ: ngày Tết cảnh sát giao thông cũng phải nghỉ, lo gì, có vi phạm chắc cũng chẳng ai phạt? Đại loại là ý thức về việc chấp hành luật giao thông cũng được... cho nghỉ.

Vì ý thức được... "nghỉ tết" như vậy nên tại TP Hồ Chí Minh, 3 ngày Tết có hơn 920 ca tai nạn giao thông phải đến các cơ sở y tế cấp cứu, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số trường hợp chấn thương sọ não và tử vong lại tăng gấp đôi so với năm 2009. Tại Hà Nội, cảnh sát giao thông cùng với học viên của một số trường cảnh sát được huy động tăng cường trong dịp Tết. Tóm lại dù là trong dịp Tết năm nay lực lượng giữ trật tự giao thông vẫn không nghỉ, những vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, điều khiển phương tiện trong trạng thái có chất kích thích... đều bị xử lý nghiêm, hơn 100 xe mô tô, gần 200 bộ giấy tờ của các phương tiện vi phạm được tạm giữ. Và cũng vì vậy nên trong 5 ngày từ 13 đến hết 17-2-2010 (mùng 5 Tết) chỉ xảy ra 13 vụ việc làm 11 người tử vong (giảm cả số vụ và số người chết so với năm 2009). Nhưng nếu như ý thức người tham gia giao thông không... "nghỉ Tết" thì kết quả trên chắc chắn sẽ còn khả quan hơn rất nhiều.

Nói vậy để thấy rằng, nếu không nhanh chóng thức tỉnh và khởi động lại ý thức tham gia giao thông, để tư duy về lĩnh vực này "nghỉ Tết" quá lâu thì sẽ rất nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện và cho sự an toàn chung của cộng đồng. Năm mới, ý thức đó phải được chuẩn hóa ở mọi nơi, mọi lúc và không được xả hơi, thỏa mãn trong bất kỳ thời gian nào, kể cả là dịp Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng cho ý thức... “nghỉ Tết” !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.