Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dừng bước giang hồ - Kỳ 1: “Đại ca” bãi vàng “gác kiếm”

ANHTHU| 23/02/2007 09:49

Từng là đầu lĩnh chỉ huy một đội quân đào vàng gần cả trăm người cùng với những cuộc chiến đẫm máu tranh giành lãnh địa khắp các bãi vàng các tỉnh phía Bắc, cuộc đời Trần Anh Hưu tưởng chừng như mãi ngập ngụa trong những chuyện chém giết, cờ bạc, thuốc phiện...

Từng là đầu lĩnh chỉ huy một đội quân đào vàng gần cả trăm người cùng với những cuộc chiến đẫm máu tranh giành lãnh địa khắp các bãi vàng các tỉnh phía Bắc, cuộc đời Trần Anh Hưu tưởng chừng như mãi ngập ngụa trong những chuyện chém giết, cờ bạc, thuốc phiện...

“Vua” bãi vàng

Quê của Trần Anh Hưu ở Giao Xuân, Giao Thủy (Nam Định), quanh năm mất mùa, thất bát. 23 tuổi (1983), nghe theo lời bạn bè rủ rê, Hưu quyết định đi “lập nghiệp” ở các bãi vàng. Hưu một thân một mình đón tàu hỏa lên Lào Cai tìm đến bãi vàng Văn Bàn, nơi mà nhiều người mách với Hưu rằng vàng ở đây rất dễ “hốt bạc”. Hưu xin gia nhập đội quân đào vàng, làm công cho các “đại ca” đang cát cứ ở đây theo từng lãnh địa. Nhờ siêng năng, chăm chỉ lại liều lĩnh và biết lấy lòng, tận tình phục vụ các đại ca đi trước, chỉ trong vòng hai năm Hưu “ngoi” lên thành một đại ca mới.

Có vốn trong tay, “đại ca” Hưu trẻ trung đã tự thành lập hẳn một đội quân riêng của mình với dàn “lính” dưới trướng hơn 100 người. Lãnh địa của đại ca Hưu trải dài khắp các bãi vàng núi non hiểm trở vùng Văn Bàn. Để có thể thống trị và thu phục những tay anh chị trước đây từng là đàn anh của mình, Hưu phải thường xuyên thân chinh đưa đàn em đi trấn áp các lãnh địa  khác. Những trận chiến đẫm máu tranh giành địa bàn, khẳng định “số má” liên tục diễn ra giữa các băng đảng.

Một lần, vào giữa năm 1986, Hưu cùng đàn em kéo quân sang “làm cỏ” lãnh địa của một đại ca có “số má” nhất Văn Bàn để giành ngôi thống trị. Tay đại ca kia đã thách đấu tay đôi với Hưu vì thấy vóc dáng thư sinh của anh chàng này. Không ngờ, gã đại ca trẻ có máu liều không kém. Lời thách đấu vừa dứt, Hưu dùng ngay con dao lớn lao vào chém gần đứt cánh tay của tay đại ca nọ. Say máu, cả đội quân của Hưu tràn lên chém giết băng nhóm bên kia tơi tả.

Sau lần đó, Hưu được suy tôn là “vua” của bãi vàng Văn Bàn. Tất cả các đại ca khác muốn yên thân làm ăn thì hằng ngày đều phải cống nộp tỉ lệ phần trăm kiếm được cho “vua” bãi vàng. Quản lý bãi vàng bằng luật rừng, tiền vào túi Hưu như nước. Rủng rỉnh tiền bạc trong tay, Hưu và đàn em say sưa sa vào thuốc phiện và cờ bạc. Tại các lán ở bãi vàng, lán nào cũng có vài bàn đèn, vài tụ xóc đĩa. Hưu trở thành con nghiện nặng và là một con bạc khát nước. Hưu kể rằng chỉ trong hơn hai năm đào vàng, anh đã kiếm được gần 1.000 lượng vàng và sở hữu trong túi cả chục tỉ đồng. Nhưng tất cả đều nướng sạch vào các chiếu bạc và những bàn đèn thuốc phiện.

Thời thịnh trị của “vua” bãi vàng cũng đến hồi chấm dứt. Cuối năm 1986, trong một lần về thăm nhà hơn nửa tháng, khi trở lại thì lãnh địa đã tan tác. Đội quân của Hưu vì thua bạc, vì nghiện hút đã nướng sạch “cơ nghiệp” của Hưu cho các đại ca khác. Gom góp lại hơn chục đàn em thân tín, Hưu định “huyết chiến” giành lại lãnh địa.

Nhưng thời thế bấy giờ đã khác. Đội quân của Hưu mang đầy thương tích, bị đánh bật ra khỏi bãi vàng ở Văn Bàn. Cuối năm 1992, đội quân đào vàng của Hưu từ 300 người vào lúc cực thịnh chỉ còn lại trên 40 người, tất cả đều là những con nghiện nặng. Sợ bị các đại ca khác thanh toán ân oán, Hưu cùng đàn em băng rừng bỏ trốn khỏi các bãi vàng.

Tình yêu phục thiện

Vợ chồng Hưu - Tuyến giao hàng may cho khách
Trong những ngày mới gia nhập đội quân đào vàng Văn Bàn (Lào Cai), Hưu quen Phạm Thị Tuyến - “đồng nghiệp” đãi vàng thuê ở các bãi vàng. Trong một đêm giữa núi rừng, trên đường từ bãi vàng trở về ngang lán của Hưu, Tuyến gặp những thi thể thối rữa của những phu vàng chết vì bị sốt rét. Quá hoảng sợ, cô chui vào lán của Hưu. Hưu bảo: “Em cứ yên tâm ở lại đây. Không có gì phải lo lắng cả”. Thấy khuôn mặt Hưu có vẻ đàng hoàng chứ không dữ tợn, cô xin Hưu được nghỉ qua đêm. Đêm ấy, họ nằm ngủ cạnh nhau như hai người bạn, tình cảm bắt đầu nhen nhúm trong lòng hai người.

Vài tháng sau đó, Tuyến tự nguyện theo Hưu đi khắp các bãi vàng để chia sẻ đắng cay ngọt bùi với người mình yêu, rồi họ trở thành vợ chồng. Trong một lần lội suối, vượt rừng đi lẩn trốn các băng cướp ở bãi vàng tại Bắc Quang (Hà Giang), Tuyến bị sẩy thai đứa con đầu lòng. Nước mắt lưng tròng, Tuyến khuyên Hưu từ bỏ bãi vàng, từ bỏ những ngày giang hồ trôi nổi. Nhưng Hưu không nghe lời vợ mà quyết tâm nuôi “chí lớn”, quay lại các bãi vàng phục hận. Tuyến đành một thân một mình bỏ về quê, trồng rau, buôn bán hàng xén sinh sống qua ngày chờ chồng.

Giữa tháng 8-1993, thất bại nặng nề sau những ngày lang bạt ở các bãi vàng, Hưu tìm về Lào Cai thăm vợ. Hai vợ chồng chưa kịp mừng vui vì gặp lại nhau thì Hưu đã lên cơn nghiện vật vã. Cả gia đình vợ đay nghiến, nhiếc mắng cậu con rể thậm tệ. Khi tỉnh cơn nghiện, lòng tự ái trỗi dậy, Hưu bỏ ra đi. Tuyến khóc chạy theo chồng. Hai vợ chồng tay trắng, lên tàu hỏa mà chẳng biết đi đâu về đâu. Đêm, tàu dừng ở ga Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái), họ quyết định xuống ga, gõ cửa một gia đình ở khu tập thể công nhân đường sắt trình bày hoàn cảnh, xin được ở trọ vài ngày. May mắn cho họ là gặp được một gia đình tốt bụng. Họ được nhận làm con nuôi, được giúp đỡ kiếm sống trong những ngày đầu.

Hai vợ chồng làm đủ nghề, từ buôn bán hoa quả đến thu mua đồng nát. Những lúc vợ đi bán, Hưu ở nhà nuôi lợn và trông hai con nhỏ. Song cơn nghiện đâu có chịu buông tha, Hưu giấu vợ lấy tiền mua thuốc phiện tiêm hút tại nhà khi vợ đi vắng.

Một lần Hưu đang “phiêu diêu” bên bàn đèn thì bị công an thị trấn ập đến bắt quả tang. Anh Lê Xuân Hòa, phó công an thị trấn Mậu A, nay là chủ tịch UBND thị trấn, khuyên: “Chú em nên cai đi. Địa phương tạo điều kiện cho chú em làm ăn, còn không sẽ trục xuất chú em khỏi xứ này”. Tuyến về biết chuyện, ứa nước mắt, nói: “Em bỏ gia đình theo anh. Chỉ mong vợ chồng mình có một cuộc sống lương thiện, đường hoàng, lo cho các con nên người. Anh còn thương mẹ con em thì bỏ thuốc phiện đi”. Vừa xấu hổ vừa thương vợ, Hưu thề sẽ đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Anh phải cắn răng vật vã trong góc nhà mấy tháng trời trong những lần lên cơn để quyết tâm dứt bỏ ma túy.

Tình yêu của vợ và nghị lực làm lại cuộc đời đã giúp Hưu từ bỏ hoàn toàn với ma túy. Cuối năm 2001, Hưu bàn với vợ mua vải vụn về may túi xách rồi đem ra chợ bán. Vậy là Tuyến đi thu mua vải vụn ở Yên Bái (Lào Cai) đem về cho chồng may từng cái túi xách, sau đó Tuyến lại xuôi tàu đưa về chợ Đồng Xuân (Hà Nội) bán. Chỉ trong vòng một năm, hai vợ chồng đã trả được số tiền nợ gần 100 triệu đồng từ khi lên Yên Bái lập nghiệp. Đầu năm 2002, vợ chồng Hưu mua thêm được hai cái máy may, một cái máy vắt sổ. Cả hai mày mò mua sách về tự học cắt may áo, quần để cung cấp hàng cho các chợ vùng cao. Đến cuối năm 2003, họ thành lập hẳn một xưởng may nhỏ với trên 40 nhân công.

Đến nay xưởng may đã có hơn 50 người, đều là con em các gia đình khó khăn, những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh. Những em mồ côi cha, mẹ, từng trộm cắp, hút xách đã được cai nghiện... đều được Hưu nhận vào dạy nghề miễn phí rồi bố trí việc làm ổn định. Vợ chồng Hưu - Tuyến hiện nay còn là mạnh thường quân hỗ trợ gạo, tiền bạc cho các gia đình nghèo ở thị trấn vào các dịp lễ, tết.

“Vua” bãi vàng một thời Trần Anh Hưu nói: “Cuộc đời giang hồ bãi vàng của tôi tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt nếu như không có được tình yêu thương, sự cưu mang giúp đỡ của bao nhiêu người. Bây giờ đã đoạn tuyệt được với những tội ác, tệ nạn, cuộc sống tương đối ổn định, tôi chỉ muốn góp sức làm một việc gì đó có ích cho đời, cho mọi người xung quanh”.

Theo TT

- - - - - -
Từng một thời khét tiếng là “trùm” gỗ lậu, một đàn anh trong giới giang hồ xứ Bắc, bây giờ người dân lại nhắc đến anh với một biệt danh hoàn toàn mới và đầy cảm tình: anh Hòa “cứu hộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Dừng bước giang hồ - Kỳ 1: “Đại ca” bãi vàng “gác kiếm”

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.