(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ đề xuất tăng lương tối thiểu trong khu vực sản xuất trước lộ trình 1 quý. Theo đề xuất, lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng áp dụng cho vùng I, 1.780.000 đồng/tháng cho vùng II, còn vùng III và vùng IV là 1.550.000 đồng và 1,4 triệu đồng/tháng.
Lý giải về mức điều chỉnh cao nhất chỉ có 2 triệu đồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, Bộ tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và mức điều chỉnh như vậy cũng là để giảm tỷ lệ thất nghiệp. Về lý thuyết, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH không sai, bởi nếu doanh nghiệp trả lương cao trong khi sản xuất gặp khó khăn hoặc thua lỗ thì doanh nghiệp không thể trụ được, như thế chủ sử dụng lao động sẽ đóng cửa nhà máy và công nhân phải nghỉ việc. Tuy nhiên thực tế đời sống lại cho kết quả khác, một công nhân làm việc trong khu công nghiệp ăn uống tiết kiệm nhất cũng mất 600.000 đồng/tháng; ăn uống tằn tiện không đủ tái tạo sức khỏe và không ít công nhân thừa nhận, họ phải "tạm ứng sức khỏe của tuổi trung niên" mới đáp ứng được công việc. Tiền thuê nhà, tiền điện, nước ít nhất cũng hết 400.000 đồng/tháng. Như vậy, nếu nhà máy không có việc để làm thêm giờ, họ chỉ còn 1 triệu đồng trong khi biết bao nhiêu việc không thể không tiêu pha.
Khảo sát thực tế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành từ tháng 3 đến 7-2011 tại 9 tỉnh trên cả nước về chi tiêu cho cuộc sống của người lao động cho thấy, mức lương tối thiểu ở khu vực I phải là 3,1 triệu đồng/tháng, ở khu vực IV là 2,6 triệu đồng/tháng mới đáp ứng mức sống tối thiểu. Khi lương doanh nghiệp trả cho công nhân không đủ để sống thì chuyện họ bỏ việc hay tìm việc chỗ khác dễ xảy ra; như vậy, doanh nghiệp sẽ thế nào?
Thực ra Bộ LĐ-TB&XH đứng về "phe" doanh nghiệp trong điều chỉnh lương tối thiểu không phải vì lợi ích của Bộ mà vì sự ổn định và phát triển sản xuất của đất nước. Hiện nay có doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lợi dụng bất cập trong quản lý trốn tránh trách nhiệm đóng góp vào ngân sách. Theo công bố gần đây của Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2011, kiểm tra 107 doanh nghiệp FDI đã phát hiện nhiều doanh nghiệp biến báo từ lãi sang lỗ để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, ngành đã kiến nghị giảm lỗ, giảm khấu trừ với số tiền là 22.306 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều dự án FDI nhất nước và 50% trong đó khai lỗ, có doanh nghiệp lỗ 5 năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp 10 năm liền báo lỗ. Nhưng trớ trêu trong khi khai lỗ thì họ lại đầu tư thêm máy móc, mở rộng sản xuất. Như vậy, việc điều chỉnh tăng lương mà mức cao nhất cũng không bảo đảm đời sống tối thiểu của công nhân liệu có phải là tiếp tục ưu đãi cho doanh nghiệp FDI khi họ đã được ưu đãi về tiền thuê đất, thuế?
Từ trước đến nay, chúng ta nhầm lẫn khi cho rằng, giá nhân công rẻ là lợi thế trong thu hút vốn FDI. Nếu thế sao người ta vẫn bỏ vốn vào Mỹ, quốc gia mà lương công nhân cao ngất? Lợi thế nhân công giá rẻ chỉ đúng với ngành may mặc và da giày vốn sử dụng nhiều lao động. Mặt khác, chi phí lương cho công nhân trung bình chỉ chiếm 3% tổng doanh thu của doanh nghiệp, một tỷ lệ nhỏ nhoi. Vì thế ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) nhận định: Chưa có doanh nghiệp nào trả lương cao cho người lao động bị phá sản. Quan niệm căn cứ vào sức chịu đựng của doanh nghiệp để điều chỉnh mức lương tối thiểu tuy không sai, song cần tính đến đời sống thực tế của người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.