(HNM) - Ngày 21-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GĐ-ĐT) đã có công văn đề nghị các sở giáo dục - đào tạo cả nước phối hợp với Liên đoàn Vovinam trong việc đưa Vovinam vào chương trình ngoại khóa, tiến tới thành lập các CLB Vovinam trong các trường.
Mừng vì lần đầu tiên ngành giáo dục - đào tạo tính đến việc phát triển một môn võ cổ truyền, cũng là một cách giáo dục truyền thống trong trường học nhưng đúng là võ học truyền thống Việt Nam không chỉ có một Vovinam. Cũng vì vậy mà trong làng võ cổ truyền Việt Nam đã có phản ứng.
Thực tế là trên đất nước Việt Nam đang tồn tại rất nhiều môn võ cổ truyền như môn phái Bình Định, môn phái Nhất Nam (Thanh - Nghệ - Tĩnh), Tân Khánh Bà Trà... đã đi cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Cứ xem tỉnh Bình Định vừa tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền VN lần thứ 3 với sự tham gia của 1.000 HLV, VĐV, hơn 50 đoàn của 27 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 46 đoàn trong nước đủ biết "sức mạnh" của võ cổ truyền "thực sự" lớn như thế nào. Từ thời Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh khởi nghĩa, người Bình Định đã có câu: "Ai về Bình Định mà coi; Con gái Bình Định đánh roi đi quyền" mới biết võ Bình Định có lịch sử lâu đời thế nào. Cũng trong tháng 7-2010, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra giải võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 3 với hơn 200 võ sĩ đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 13 đội tuyển trong nước tranh 38 bộ huy chương nội dung hội diễn quyền. Đó là chưa kể những môn võ nhập khẩu như Judo, Taekwondo, Pencak Silat… hoạt động với rất nhiều học trò, đóng góp VĐV cho đội tuyển quốc gia tham gia các giải quốc tế và giành nhiều thành tích.
So với các môn võ dân tộc thì Vovinam có tuổi đời rất trẻ. Từ tinh hoa võ thuật Trung Quốc kết hợp với một số kỹ thuật võ vật, võ sư Nguyễn Lộc "sáng tác" thành Vovinam (viết tắt của võ Việt Nam) vào năm 1938 nhưng nó chỉ thực sự nở rộ gần chục năm gần đây trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Năm 2005 trở đi Vovinam mới thực sự phát triển ở trong nước. Việc Vovinam được Bộ Giáo dục - Đào tạo giới thiệu với các trường học trong cả nước như tinh thần công văn trên cũng là ví dụ cho thấy bước tiến của môn võ này.
Dù vậy, võ thuật cũng như văn hóa, rất cần sự đa dạng, cần "trăm hoa đua nở", có vậy cuộc sống mới phong phú, sinh động, mang bản sắc từng vùng. Cũng vì vậy, trong làng võ cổ truyền Việt Nam mới có ý kiến rằng, tại sao lại không để cho các trường học được tự chọn môn võ thích hợp, phù hợp với đặc tính, truyền thống địa phương để đưa vào hoạt động? Nhưng có lẽ sẽ hợp lý hơn cả nếu trong công văn kia, bên cạnh việc giới thiệu môn Vovinam với các trường, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng nói rõ rằng các trường hoàn toàn có thể phát triển các môn võ cổ truyền khác chứ không nhất thiết phải là Vovinam. Gần đây, đại diện Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục- Đào tạo, cũng trả lời rằng công văn trên không áp đặt mọi trường học phải dạy Vovinam và sẽ mở cửa với mọi môn võ cổ truyền nếu những môn phái này định phát triển trong trường học. Nhưng không gì tốt bằng "giấy trắng mực đen", để dư luận bớt ì xèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.