(HNMO) - Chiều 14-1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt kiều bào tham dự Xuân Quê hương năm 2023.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đặc biệt có sự tham dự của gần 130 kiều bào là các trí thức, doanh nhân về từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin tới kiều bào về tình hình phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình trên, Việt Nam lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là động lực, mục tiêu cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, là bạn bè, đối tác tốt, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
“Những điều này đã giúp đất nước ta có được như ngày nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu và trân trọng cảm ơn sự đóng góp hiệu quả, đầy tình cảm, trách nhiệm của hơn 5,3 triệu bà con kiều bào ta ở nước ngoài trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, tại chương trình Xuân Quê hương 2022, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp, Thủ tướng đã nói về quyết tâm của Chính phủ phấn đấu thực hiện mục tiêu “Đường về quê gần hơn”. Đến nay, khi đường về quê của bà con kiều bào đã không còn xa, Chính phủ hướng tới mục tiêu “Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam”. Để thực hiện tốt hơn mục tiêu này, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong những năm gần đây, một số doanh nhân Việt Nam đã có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Điều này thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của người Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần chú trọng đến việc giáo dục - đào tạo để các thế hệ sau hiểu hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ thấu hiểu tấm lòng, ước nguyện của bà con. Vì vậy, về những ý kiến, kiến nghị của bà con với tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm, Chính phủ sẽ tiếp thu, quan tâm, xem xét giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nếu vượt thẩm quyền.
Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, khó lường nhưng Thủ tướng tin tưởng, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh, cùng nhau thực hiện thành công các mục tiêu phát triển.
Trong không khí vui mừng, phấn khởi trước thềm năm mới, Thủ tướng chúc bà con kiều bào một năm mới dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc và thật nhiều thành công.
Tại buổi gặp mặt, kiều bào bày tỏ xúc động khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; vui mừng khi chứng kiến đất nước không ngừng phát triển. Bà con tỏ rõ niềm tự hào là con dân đất Việt; bày tỏ quyết tâm sinh sống, lao động, học tập tốt và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước sở tại. Đặc biệt, bà con luôn hướng về quê hương ruột thịt với những hành động thiết thực, hiệu quả.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, kiều bào tại Cộng hòa Séc cho biết, xuất phát từ mong muốn phát triển cộng đồng người Việt Nam ngày càng mạnh và có tổ chức, sau rất nhiều năm xây dựng công tác cộng đồng ở Cộng hòa Séc, tháng 10-2016, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã được thành lập. Sau 6 năm thành lập, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã làm tốt công tác đối ngoại, vận động, tập hợp liên kết cộng đồng thông qua các chương trình về văn hóa, văn nghệ, thể thao, từ thiện…
Tại đại hội lần thứ hai diễn ra hồi tháng 10-2022, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã đưa ra chương trình hoạt động với 7 điểm, trong đó ưu tiên củng cố các tổ chức Hội người Việt Nam đối với các nước đã có Hội người Việt Nam…
Ông Hoàng Đình Thắng cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu sẽ có những đóng góp thiết thực phù hợp với sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam hiện nay trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, xuất khẩu hàng Việt Nam vào châu Âu, kinh tế bền vững…
“Tôi tin tưởng rằng, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của Thủ tướng và Chính phủ đối với chương trình hoạt động của mình”, ông Hoàng Đình Thắng bày tỏ.
Tự hào về những thành tựu mà Việt Nam đã làm được, bà Aurelia Nguyen, Giám đốc chiến lược chương trình của Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), nguyên Giám đốc điều hành cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu (COVAX) nhấn mạnh: “Tôi đã theo dõi với sự tự hào, chứng kiến Việt Nam, đất nước quê hương tôi vượt qua đại dịch Covid-19 một cách thành công như thế nào. Trong khi đại dịch ảnh hưởng ở mọi nơi trên thế giới, Việt Nam đã trở thành ví dụ cho toàn thế giới về việc làm thế nào để thực hiện một chiến dịch y tế công cộng lớn như vậy. Mặc dù số lượng ca mắc Covid-19 năm 2021-2022 có tăng, nhưng Chính phủ Việt Nam xứng đáng được ngợi khen vì nỗ lực hết mình trong việc duy trì, bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng. Tháng 8-2021, chỉ có 7,5% dân số người trưởng thành ở Việt Nam tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, nhưng chỉ sau 5 tháng, tỷ lệ này tăng gần 100%. Đây là thành tựu rất đáng kinh ngạc".
Bà Aurelia Nguyen mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam để bảo đảm bao phủ vắc xin, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.