Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dựa vào cộng đồng để giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu

Tuấn Lương| 25/05/2013 05:47

(HNM) - Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng được đánh giá là phương pháp phát huy hiệu quả cao, mang tính bền vững. Tại Việt Nam, sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn.


Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu, gây phát thải lượng lớn khí nhà kính.
Ảnh: Bá Hoạt



Nhận thức và tính chủ động gần như chưa có

Theo các chuyên gia, cộng đồng có vai trò chủ chốt trong thích ứng và ứng phó với BĐKH. Phương pháp thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng (CBA) là phương pháp bền vững. CBA dựa trên nguyên tắc "Thực hiện từ cộng đồng, dựa vào cộng đồng và làm lợi cho cộng đồng" nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực của người dân vào các giải pháp ứng phó với thiên tai và BĐKH. CBA tạo ra sự linh hoạt, nhạy bén trong thích ứng với BĐKH, tận dụng lực lượng đông đảo cũng như huy động phương tiện sẵn có trong cộng đồng.

Theo TS Lương Quang Huy (Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH), quần chúng là lực lượng đông đảo, có khả năng huy động nhanh chóng để ứng phó với những trường hợp cấp bách. Các cộng đồng có sự am hiểu rõ về khu vực, có khả năng đánh giá tác động tại chỗ của BĐKH thông qua quan sát hằng ngày và tự tìm biện pháp đối phó. Để tránh được những hoạt động thích ứng sai, họ cần được cung cấp đầy đủ thông tin về BĐKH cũng như chiến lược thích ứng ở quy mô lớn và toàn diện. Trước hết là chỉnh đốn những thói quen, hành vi sinh hoạt, sản xuất đe dọa môi trường sống.

TS Nguyễn Phương Loan (Khoa Môi trường - Trường Đại học KHTN - Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: đây là phương pháp rất thành công ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vai trò và sự tham gia của cộng đồng còn khá khiêm tốn. Các cơ quan chức năng chưa có nhiều chương trình ứng phó với thiên tai và BĐKH có sự tham gia của cộng đồng. Một ví dụ với Hà Nội, TP đang trong quá trình phát triển mạnh, rất dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH. Ước tính mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 38 triệu KWh điện, hàng triệu lít xăng dầu… gây phát thải lượng lớn khí nhà kính. Nhưng nhận thức và tính chủ động của cộng đồng dân cư trong việc giảm nhẹ và ứng phó với BĐKH gần như chưa có. Một số cộng đồng dân cư vẫn duy trì thói quen sinh hoạt, xây dựng… làm tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Các chuyên gia cho biết: thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện một số nghiên cứu quan trọng nhằm tìm ra cách can thiệp thích hợp để ngăn chặn thiên tai, bão lụt. Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp ngăn chặn đều mang tính kỹ thuật và trong các nghiên cứu hoặc chính sách lại không đề cập đến sự thích nghi của người dân địa phương và cộng đồng.

Sử dụng các nguồn điện năng lượng mặt trời là một biện pháp làm giảm phát thải cacbon trực tiếp. Ảnh: Bá Hoạt



Huy động sức mạnh cộng đồng

Thích ứng với BĐKH là việc làm cấp bách và có ý nghĩa, nhưng không dễ dàng, đòi hỏi có sự tham gia của cộng đồng để có thành công nhanh và hiệu quả hơn. Theo TS Nguyễn Phương Loan, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH. Xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường; thay đổi hành vi, thái độ, thúc đẩy mọi người tự nguyện tham gia và lôi cuốn người khác cùng tham gia vào các hoạt động chung, từ đó giảm nhẹ BĐKH từ đơn giản đến phức tạp, tạo ra kết quả có tính đại chúng. Với Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung, tiết kiệm điện và sử dụng các nguồn điện tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, biogas) là những cách giảm phát thải cacbon trực tiếp và hiệu quả nhất. Có thể thực hiện điều này theo một cách đơn giản là giám sát tiền điện hằng tháng và tìm cách giảm mức chi trả này. Trắng hóa mái nhà và xanh hóa mái nhà, tường nhà, vỉa hè cũng là những khuyến cáo hợp lý cho các đô thị xanh thích ứng với BĐKH. Bởi ước tính trong các TP, mái nhà chiếm khoảng 20%, vỉa hè chiếm khoảng 35% diện tích đô thị. Nghiên cứu cho thấy cứ 10m2 mái nhà màu trắng có thể làm giảm 1 triệu tấn CO2/năm và giúp giảm 20% chi phí sử dụng điều hòa nhiệt độ. Xu hướng thích ứng này cần sự tham gia của cộng đồng vì mái nhà và tường nhà là sở hữu cá nhân. Trong khi truyền thống và thói quen của người Việt Nam vẫn là mái ngói đỏ, sân gạch đỏ. Giáo dục nhằm thay đổi hành vi trong lĩnh vực này không đơn giản chỉ là tuyên truyền mà cần có những biện pháp hướng tới thay đổi chuẩn mực, hướng tới các lợi ích kinh tế và thiết lập xu hướng mới. Bên cạnh đó, phân loại rác, tái chế và đổ rác đúng nơi quy định cũng là một cách giảm phát thải cacbon. Do vậy cần phát triển các hành vi giúp cho việc xử lý rác theo hướng thân thiện với môi trường như làm phân vi sinh, phát điện…

Đối với vùng nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, các chuyên gia nhấn mạnh, cần thay đổi thói quen đốt rừng làm nương rẫy. Bởi điều này gây hậu quả khó lường về nhiều mặt. Trong đó góp một lượng không nhỏ cacbon vào bầu khí quyển, gia tăng phát thải khí nhà kính, cắt bỏ đi lá phổi xanh và làm suy giảm hệ thống nước ngầm khiến gia tăng tình trạng hạn hán vào mùa khô và đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho năng lượng sinh học (biogas) đa dạng và phong phú ở nông thôn cần được đưa vào khai thác. Cắt giảm việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu… cũng là một biện pháp thích nghi bền vững, phù hợp với sinh thái và thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dựa vào cộng đồng để giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.