Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa tiếng cười Nguyễn Công Hoan vào chèo

Ngọc Đại| 18/08/2011 07:13

(HNM) - Mang lại nhiều tiếng cười sâu cay và những suy ngẫm, xót xa cho thân phận con người - đó là những gì mà người xem có mặt tại rạp Kim Mã cảm nhận được trong

Một cảnh trong tiểu phẩm “Cụ chánh bá mất giày”.


Nguyễn Công Hoan không chỉ nổi tiếng bởi là nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán, mà tác phẩm của ông luôn "hút" sân khấu, từ kịch cho tới cải lương, kể cả điện ảnh đều từng dàn dựng từ truyện ngắn của ông. Cảm tác từ những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Nhà hát Chèo Việt Nam đã chuyển thể 3 truyện ngắn sang sân khấu chèo, dàn dựng thành chùm tác phẩm mang tên "Đêm chèo Nguyễn Công Hoan", gồm các vở chèo ngắn "Chuyện nhà ông Tham" (chuyển thể từ truyện ngắn "Mất chiếc ví"), "Cụ chánh bá mất giày" (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên) và "Thuyền nát gặp nhau" (chuyển thể từ truyện ngắn "Người ngựa ngựa người").

Xuất phát từ nhu cầu, thị hiếu của khán giả ngày nay khó có đủ thời gian để xem hết một vở chèo dài, Nhà hát Chèo Việt Nam đã dàn dựng những vở, tiết mục chèo ngắn gọn, linh hoạt, có thể biểu diễn trong nhà hát hoặc lưu động dễ dàng. Nghệ sĩ Ngọc Minh, người chuyển thể và đạo diễn vở "Chuyện nhà ông Tham" cho biết, tiếng cười trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất gần gũi với ngôn ngữ chèo, phù hợp với tính trào lộng trong chèo nên nhà hát quyết định cho dàn dựng.

Tính trào lộng ấy được thể hiện rõ trong từng tác phẩm. Ở "Cụ chánh bá mất giày", người xem được dịp cười ngả nghiêng trước sự ti tiện của cụ chánh bá làng Đông, trước sự luồn cúi của vợ chồng nhà phó lý. Cụ chánh bá không hổ danh là tên tham quan, lập mẹo mất giày để bắt đền nhà phó lý. Anh tốt hầu cụ chánh trong vai trò một anh hề chèo, vừa chọc cười người xem, vừa bôi bác, chơi xấu, đả kích chủ. "Thuyền nát gặp nhau" lại mang tới cho người xem cái cười xa xót trước những phận người. Một anh xẩm sờ lần, một anh phu xe có đàn con nhỏ và một cô gái ăn sương không bắt được khách gặp nhau trong đêm giao thừa. Sau những lừa gạt, hy vọng, cố gắng, đắng cay của sự khốn khổ mưu sinh, họ gặp nhau, tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông và hơi ấm của tình người.

Dựng lại những truyện ngắn với bối cảnh xã hội cũ, nhưng "Đêm chèo Nguyễn Công Hoan" vẫn mang triết lý "bắt" kịp đời sống hiện đại. "Chuyện nhà ông Tham" đả kích thói vô ơn, bội nghĩa, mưu mẹo, gian xảo vô nhân tính của ông quan với người chú đã nuôi nấng mình thành đạt. "Cụ chánh bá mất giày" với những câu hát như "cứ thật thà như mày thì suốt đời làm đày tớ thôi", hay "ở cái thời buổi này phải biết khom lưng, uốn gối đúng lúc"… vẫn còn nguyên giá trị phê phán… Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã cố gắng để có những đoạn hát chèo "ngọt", những cái lúng liếng, âm nhạc, điệu múa, diễn xuất chèo. Vì thế, "Đêm chèo Nguyễn Công Hoan" vẫn đậm tiếng hát, tiếng trống, tiếng đàn nguyệt, đàn nhị của nghệ thuật ước lệ, cường điệu, trào lộng trong vốn chèo cổ.

Sau khi tham gia Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc, từ tháng 9, "Đêm chèo Nguyễn Công Hoan" sẽ có những suất diễn cố định vào một ngày trong tuần để phục vụ khán giả Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa tiếng cười Nguyễn Công Hoan vào chèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.