(HNM) - Hà Nội luôn góp nhiều gương mặt sáng giá cho đội tuyển đua thuyền, cả rowing và canoeing quốc gia tại các giải đấu quốc tế lớn. Tuy nhiên, để có huy chương tại ASIAD 2014 và xa hơn là ASIAD 18-2019, rất cần có sự đầu tư đột phá cho các VĐV triển vọng, đặc biệt là về dinh dưỡng. Trưởng bộ môn Đua thuyền Hà Nội Nguyễn Văn Thắng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này.
- Đầu xuân năm 2013, hoạt động của đua thuyền có gì đáng chú ý, thưa ông?
- Đáng chú ý nhất hiện nay là chuyến tập huấn của đội tuyển rowing quốc gia tại Australia từ ngày 13-2 đến 25-3. Trong số 7 VĐV của ĐTQG, Hà Nội có tới 3 VĐV. Trong khuôn khổ chuyến tập huấn, ĐTQG sẽ thi đấu tại Giải New South Wales mở rộng (tháng 2) và Cúp Thế giới (từ ngày 21 đến 24-3). Chuyến thi đấu này chắc chắn sẽ giúp nâng cao khả năng đua tranh của VĐV, giúp họ tự tin hơn khi tham dự Giải vô địch thế giới tại Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 8, sau đó là SEA Games vào cuối năm. Còn đội canoeing chủ yếu tập luyện trong nước. Năm nay, canoeing sẽ tập trung cho Giải vô địch thế giới tháng 8 tại Đức, Giải vô địch Châu Á tháng 9 tại Uzsbekistan. Nhưng mục tiêu chính vẫn là SEA Games, việc chinh phục ASIAD sẽ rất khó khăn với lực lượng hiện tại.
Các VĐV đua thuyền Việt Nam cần được đầu tư mạnh về thể chất để có thể đạt được những thành tích tốt trong luyện tập và thi đấu. Ảnh: Minh Hoàng |
- Ông có thể phân tích rõ hơn về lực lượng của đua thuyền Hà Nội hiện nay?
- Lực lượng rowing tương đối ổn định với 44 VĐV, trong đó có nhiều em ở trong ĐTQG và đội trẻ. Về canoeing, Hà Nội có hơn 60 VĐV. Tuy nhiều hơn rowing nhưng lực lượng canoeing sau 2014 sẽ bị thiếu hụt đáng kể, phải hết sức chú ý mới giữ vững được vị trí dẫn đầu, đặc biệt là về nữ. Hiện nay, Hà Nội đang ráo riết kết hợp với Hà Tĩnh, Tuyên Quang trong công tác tuyển chọn để "gối" lực lượng cho 2014, bởi tuyển tại Hà Nội rất khó. Đặc thù của môn này là cần các VĐV có thể hình vừa cao lớn vừa khỏe mạnh, nhưng các em đạt yêu cầu ở Hà Nội thường có nhiều lựa chọn khác như làm người mẫu thời trang…
- Như vậy, nhắm đích tới ASIAD và Olympic, đua thuyền Hà Nội hẳn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn…
- Cái khó thứ nhất là điều kiện tập luyện. Chất lượng thuyền tàm tạm, nhưng địa điểm tập luyện tại Hồ Tây rộng quá, sóng, gió, dòng nước chảy… không "chuẩn" đối với môn đua thuyền. Thứ hai là về con người, bởi môn "dây, thước, mét" đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, trong đó phải có sự cải thiện thể chất con người, không đơn giản chỉ cần điều kiện cơ sở vật chất tốt là có thành tích. Thực ra, chúng ta cũng có nhiều VĐV sáng giá, nhưng cần thời gian để họ đạt được độ chín. Về nam có khoảng chục em, nữ cũng có vài gương mặt. Trước mắt, họ chỉ đứng hàng 3-4 toàn quốc. Nhưng họ hơn tốp nhất nhì ở chỗ là còn rất trẻ, đều chưa đến 20 tuổi. Điều quan trọng là phải có sự đầu tư đột phá cho lực lượng này.
- Theo ông, đâu là sự đột phá trong đầu tư?
- Với thực lực hiện có, rowing hướng đến mục tiêu giành HC ASIAD 2014, và xa hơn là 2019, còn canoeing chỉ tập trung cho SEA Games. Cả 2 đội đều có chuyên gia huấn luyện, tôi hy vọng sau năm 2014, chuyên gia người Australia có thể ở Việt Nam lâu dài để huấn luyện rowing. Chúng tôi đang kết hợp với các tỉnh, thành khác trong việc đầu tư, nhắm vào nội dung thuyền 8 người với mục tiêu có huy chương tại ASIAD - Incheon 2014 và vượt qua vòng loại Olympic 2016. Hướng đến 2019, phấn đấu sẽ có HCV ở môn rowing. Sự đột phá ở đây chính là vấn đề dinh dưỡng. Muốn có VĐV vô địch Châu Á, không nên cho VĐV ăn kiểu đại trà môn nào cũng như môn nào theo quy tắc tài chính bó buộc chung. VĐV rất cần được đầu tư mạnh về thể chất, trong đó, cần sự vào cuộc của bác sĩ dinh dưỡng trong việc lên kế hoạch, theo dõi chế độ ăn hằng ngày, không chỉ phù hợp với đặc thù của từng môn mà còn phải phù hợp với từng VĐV "gà nòi".
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.