Tưởng nhớ tổ tiên từng ra Biển Đông cắm cột mốc khẳng định chủ quyền, mỗi độ xuân về, người dân Lý Sơn lại mở hội đua thuyền tri ân công đức đội hùng binh Hoàng Sa.
|
Lễ tế tri ân công đức đội hùng binh Hoàng Sa, ngài "cá Ông" trước khi khai hội chung kết lễ đua thuyền truyền thống. Theo Văn tế tiền hiền các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn, hội đua thuyền đầu năm mới được tổ chức từ năm 1826 và được duy trì bảo tồn, phát triển gần 200 năm qua. |
|
Sau bốn ngày bơi đua, đến 15/2 (mùng 8 tết), tám chiếc thuyền mang biểu tượng long, lân, quy, phụng của các làng thuộc xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) lọt vào vòng chung kết. Mỗi chiếc thuyền dài hơn 10 m với quân số 24 người gồm 21 dân bơi, ba tổng lái và 1 người đập then. |
|
Tám chiếc thuyền mang hoa tiêu, theo số thứ tự rẽ sóng xuất phát, vượt qua 4 vòng với tổng chiều dài 4 km. |
|
Thuyền rồng quay đầu ở cọc hoa tiêu trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân cùng du khách. |
|
Lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn trao cúp vô địch cho đội thuyền phụng đạt giải nhất. |
Huyện đảo Lý Sơn rộng 10 km2 nhưng có đến 10 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và tỉnh. Trong đó hơn một nửa di tích, nhà thờ, tư liệu quý ở các tộc họ liên quan trực tiếp đến lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Trong Văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa (1815) các tộc họ còn lưu giữ ghi: "Những chiến sĩ tuân lệnh triều đình bảo vệ biên phòng lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã liều thân vì Tổ quốc. Sắt son một lòng ngang dọc chí nam nhi. Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi".
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi khẳng định, các bộ chính sử, châu bản triều Nguyễn cùng hệ thống di tích nhà thờ, lăng miếu và hàng nghìn mộ gió lính Hoàng Sa trên đất đảo, là bằng chứng sống động cho thấy các thế hệ ở Lý Sơn ra Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.