(HNM) - Tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn đang diễn biến phức tạp. Đây cũng là những trăn trở của đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tại hội nghị
Người tiêu dùng cần có thêm nhiều kênh phân phối thực phẩm bảo đảm an toàn. Ảnh: Anh Tuấn |
Yêu cầu cấp thiết từ thực tế cho thấy để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cần sự chung tay của cơ quan quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, các DN, những người trực tiếp sản xuất, đặc biệt là nông dân, vì đây là người làm ra nguyên liệu cho chế biến thực phẩm.
Theo Sở Công thương Hà Nội, việc cung cấp thực phẩm sạch cho gần 10 triệu người đang sống và làm việc tại Hà Nội là vấn đề "nóng". Thêm vào đó, hằng năm Hà Nội đón khoảng 20 triệu khách du lịch nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn (khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau các loại...). Trong khi đó, sản xuất, cung ứng của thành phố mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, 60% rau củ tươi... còn lại là thu mua từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu. Vì vậy, những nguy cơ không bảo đảm ATVSTP rất lớn.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, người tiêu dùng khó có thể phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn; sản phẩm an toàn khó tiêu thụ do giá thành cao... Lâu nay, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thực phẩm tươi sống quan trọng nhất, với hơn 80% người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng hóa được phân phối tại nhiều chợ dân sinh, nhất là chợ tại các xã vùng sâu, vùng xa khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng. Ngoài ra, Hà Nội còn hàng nghìn cửa hàng, nhà hàng ăn uống, từ bình dân đến cao cấp, hằng ngày cung cấp một lượng thức ăn rất lớn cho khách hàng. Trong đó, hầu hết cửa hàng ăn uống bình dân chưa bảo đảm chất lượng ATVSTP.
Để đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Minh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Tây Bắc Việt Nam đề nghị, xử phạt nặng các DN kinh doanh thực phẩm không an toàn hoặc DN mượn danh nghĩa sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch nhưng sản phẩm cung cấp không không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, hỗ trợ quy hoạch tập trung vùng nguyên liệu, vùng sản xuất để có thể dễ dàng quản lý, giám sát.
PGS.TS Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho rằng, cần rà soát, ban hành đồng bộ quy định để giúp công tác quản lý ATVSTP thuận lợi. Các chế tài xử lý vi phạm phải cụ thể, đủ sức răn đe; xác định trách nhiệm rõ ràng cơ quan quản lý, tránh hiện tượng đùn đẩy, lỏng lẻo, thiếu sâu sát. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực về con người và trang thiết bị cho quản lý ATVSTP.
Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, việc kiểm tra giám sát, cần được các sở, ngành tăng cường triển khai, đồng thời với giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSTP. Cũng theo ông Thăng, thành phố duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi, từ sản xuất đến kinh doanh; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu, thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm tập trung gắn với "Chương trình xây dựng nông thôn mới". Lĩnh vực ATVSTP cần sự chung tay của cơ quan quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, các DN, những người trực tiếp sản xuất, đặc biệt là nông dân, vì đây là người trực tiếp làm ra nguyên liệu cho chế biến thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho thành phố hình thành các vùng chăn nuôi, HTX chăn nuôi; các vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng đề án trồng rau an toàn. Sở cũng hỗ trợ 100% chi phí tập huấn về trồng rau an toàn, hỗ trợ 100% vắc xin, thuốc khử trùng trong chăn nuôi. Đặc biệt, Sở đang xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng rau - thịt - trứng an toàn, với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, nhằm đẩy mạnh sản xuất, đem đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm chất lượng cao. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.