(HNMO) - Sáng 10-2, Tổ công tác triển khai thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất nhằm phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác cũng như quyết nghị một số vấn đề liên quan đến đề xuất đầu tư của dự án. Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì phiên họp.
Cùng tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh là địa phương có đường Vành đai 4 đi qua; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Tổ công tác.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào ngày 18-1, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bảo đảm đúng các quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2 và các cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 3-2022.
Các tuyến đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho cho người dân trong vùng.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có dự kiến tổng chiều dài 111,2km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng; cơ cấu nguồn vốn gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028.
Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Địa phận Hà Nội 58,2km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông); tỉnh Hưng Yên dự kiến tuyến dài 19,8km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm); tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyến dài 24,2km và tuyến nối 9km đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và thành phố Bắc Ninh.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là phiên họp đầu tiên nhưng hết sức quan trọng nhằm phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Tổ công tác cũng như họp bàn quyết nghị phương án tiền khả thi đầu tư dự án để kịp thời trình Chính phủ vào ngày 10-3 tới đây theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã xác định chủ trương triển khai dự án là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Trên cơ sở đó, đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị, các thành viên Tổ công tác, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đến dự án căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung đóng góp ý kiến, rà soát hướng tuyến, quy mô đầu tư của dự án; rà soát việc điều phối ngân sách trung ương và địa phương sao cho hợp lý, hài hòa và khả thi. Từ đó, Tổ công tác tổng hợp để có báo cáo giải trình về đề xuất đầu tư; đưa ra định hướng đầu tư bảo đảm chất lượng và đáp ứng tiến độ Chính phủ đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.