(HNM) - Việc đưa các mặt hàng nông sản sạch của Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cho đặc sản trong nước. Song vì nhiều lý do, số lượng nông sản an toàn có tem nhãn mác truy xuất nguồn gốc vào được kênh phân phối này còn rất ít. Hiện các nhà sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang trăn trở tìm lối đi bền vững cho nông sản sạch.
Khó vào siêu thị, cửa hàng tiện ích
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, xã Văn Đức có 220ha rau an toàn, trong đó có 26,9ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường 40-50 tấn rau các loại, nhưng chỉ có khoảng 10-15% tiêu thụ qua siêu thị, cửa hàng tiện ích, còn lại chủ yếu vẫn bán cho các bếp ăn tập thể và các tiểu thương kinh doanh ở chợ dân sinh.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh thông tin, hiện nay đơn vị có hơn 200 con lợn nuôi theo hướng an toàn. Thế nhưng đến nay, sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã vẫn chủ yếu bán cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn và khách quen, chưa đưa được vào kênh phân phối hiện đại.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, bà Nguyễn Thị Thu, chủ cửa hàng nông sản hữu cơ Hai Sương, ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ: "Số lượng sản phẩm bán ra không nhiều nên cửa hàng phải chọn lọc kỹ lưỡng. Hiện nay nhiều nhà sản xuất chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có tem nhãn truy xuất nguồn gốc nên chúng tôi không thể ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện nay khoảng 85% các loại nông sản, thực phẩm sạch đang tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (chợ dân sinh, thương lái...), 15% tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích). Việc đưa nông sản an toàn vào kênh phân phối hiện đại gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ, trong khi đó quy định đầu tiên của siêu thị, cửa hàng tiện ích là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp lý để giao dịch, mua bán. Nhiều nhà sản xuất mới chỉ quan tâm tới số lượng, chưa chú ý chất lượng sản phẩm; chưa có bao bì, nhãn mác cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Cần đẩy mạnh việc liên kết
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản an toàn qua các kênh phân phối hiện đại, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Suất ăn công nghiệp Hà Nội Trần Xuân Hòa cho rằng, hợp tác xã, người nông dân phải sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng, số lượng, độ đồng đều. Trong quản lý, cần ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc để có hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xây dựng thương hiệu. Còn theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Mạnh, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ người dân, hợp tác xã trong việc liên kết với doanh nghiệp, siêu thị để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, để đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản an toàn qua kênh phân phối hiện đại, Phúc Thọ đã và đang xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ hợp tác xã trong liên kết chuỗi, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất trong việc chứng nhận an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, để tìm được tiếng nói chung với các nhà phân phối trong tiêu thụ nông sản, người nông dân cần xây dựng kế hoạch sản xuất theo quy trình an toàn, có sự kiểm soát lẫn nhau, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, các hợp tác xã cần tính tới việc quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội để bắt kịp với xu thế xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản thời hiện đại. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã trong việc xúc tiến thương mại qua các hội chợ, hội thảo để doanh nghiệp và người sản xuất tìm hiểu thông tin và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Để tìm lối ra bền vững cho nông sản sạch, các địa phương cần chủ động thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn theo hình thức liên kết chuỗi... Công tác kết nối cung - cầu cần chặt chẽ hơn và các ngành chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ người sản xuất trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc sản phẩm, từ đó tạo thuận lợi trong việc kết nối với siêu thị, cửa hàng tiện ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.