Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nông nghiệp công nghệ cao làm đòn bẩy

Đỗ Minh| 27/05/2020 07:09

(HNM) - Thời gian qua, bệnh Dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 4,12% trong năm 2020.

Để chung sức cùng thành phố đạt mục tiêu này, huyện Đông Anh điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng lên hơn 4% trong năm 2020 thay vì 1,6%-2% như kế hoạch trước đó. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện sẽ lấy nông nghiệp công nghệ cao làm đòn bẩy để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Chăn nuôi gia cầm theo mô hình VietGAP tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hòa Phát ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

- Huyện Đông Anh đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 lên hơn 4% thay vì kế hoạch ban đầu là 1,6%-2%. Xin ông chia sẻ về mục tiêu này?

- Không chỉ riêng Đông Anh, hầu hết các địa phương trên địa bàn Hà Nội đều bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19.

Với ngành Nông nghiệp, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục để lại nhiều hậu quả. Hiện tại, việc tái đàn lợn vẫn gặp khó khăn do giá lợn giống cao, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ còn lo lắng do năng lực phòng dịch hạn chế… Đặc biệt, giá một số nông sản như rau an toàn, trứng gia cầm có thời điểm giảm tới 40% so với trước khi có dịch Covid-19.

Dù chưa năm nào huyện Đông Anh đặt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp hơn 2% nhưng trong bối cảnh chung hiện nay, mỗi địa phương trong đó có Đông Anh phải quyết tâm cao và nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng mới để ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt mức tăng trưởng 4,12%. Với Đông Anh, mục tiêu tăng trưởng mới của nông nghiệp là hơn 4% trong năm nay.

- Xin ông cho biết cơ sở để Đông Anh đề ra mục tiêu tăng trưởng trên?

- Hiện, diện tích gieo trồng hằng năm của huyện Đông Anh là 17.999ha, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 2.441 tỷ đồng/ năm; trong đó, giá trị thu nhập trên 1ha đất nông nghiệp đạt 250 triệu đồng/năm. Về cơ cấu cây trồng, diện tích lúa của huyện là 12.293ha/2 vụ/năm (trong đó lúa hàng hóa chất lượng cao là 1.200ha); rau các loại khoảng 1.080ha (riêng rau an toàn là 800ha).

Đến nay, huyện đã hình thành một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho năng suất vượt trội so với các mô hình truyền thống...

Đồng thời, Đông Anh là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất thành phố. Tính đến giữa tháng 5, tổng đàn lợn của huyện là 32.272 con; đàn gia cầm hơn 2,26 triệu con; đàn trâu 1.034 con; đàn bò 11.752 con và duy trì được 600ha nuôi trồng thủy sản.

Những năm gần đây, Đông Anh đã xây dựng được 15 chuỗi liên kết cung cấp thực phẩm an toàn, 11 trang trại chăn nuôi theo mô hình VietGAP... Nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Tiền đề trên là cơ sở để Đông Anh có thể đạt mức tăng trưởng hơn 4% trong lĩnh vực nông nghiệp trong năm nay, qua đó cùng với các địa phương góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô.

- Ông có thể cho biết những giải pháp được huyện Đông Anh triển khai để hoàn thành mục tiêu mới đề ra?

- Thực tế, sản xuất nông nghiệp luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến bất thường cũng như tình hình dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, huyện Đông Anh sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu mới.

Trước mắt, Đông Anh sẽ tập trung mở rộng diện tích một số loại cây trồng. Cụ thể, diện tích lúa vụ mùa tới sẽ gieo trồng hơn 6.000ha, tăng 128ha so với vụ mùa năm 2019; diện tích rau các loại là 3.230ha, tăng gấp 3 lần; cây ăn quả khoảng 508,8ha, tăng hơn 26ha. Riêng vụ đông, huyện phấn đấu gieo trồng 2.785ha, tăng 384ha so với năm 2019.

Trong chăn nuôi, Đông Anh phấn đấu tăng số lượng đàn lợn lên 45.000 con; đàn gia cầm đạt hơn 2,3 triệu con; tiếp tục duy trì ổn định đàn trâu, bò và nuôi trồng thủy sản.

Mặt khác, với quỹ đất nông nghiệp không lớn, để đáp ứng lộ trình từ huyện trở thành quận và mục tiêu phát triển chung của nông nghiệp Thủ đô là xây dựng nền nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, Đông Anh sẽ lấy nông nghiệp công nghệ cao làm đòn bẩy nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Hiện tại, huyện đang xây dựng các kế hoạch, đề án thí điểm một số mô hình trong sản xuất nông nghiệp như: Chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để thay đổi cơ cấu mùa vụ, tăng vụ, sản xuất trái vụ; hỗ trợ, khuyến khích sản xuất lúa, rau, quả theo hướng hữu cơ; hỗ trợ ứng dụng các loại máy móc, thiết bị trong chăn nuôi; thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại chợ trung tâm Đông Anh...

Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục phát triển hệ thống truy xuất các sản phẩm nông nghiệp có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn với phát triển chuỗi liên kết; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tiêu thụ; hình thành mạng lưới giới thiệu, cung ứng nông sản hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa nông nghiệp công nghệ cao làm đòn bẩy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.