(HNM) - Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Thời gian tới, Khuyến nông Hà Nội tiếp tục đồng hành với nông dân Thủ đô phát triển các mô hình sản xuất mới để vươn tới những mục tiêu cao hơn.
Đưa khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng
Ông Nguyễn Duy Hùng ở xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa cho biết, với quy mô 5ha nuôi trồng thủy sản, gia đình ông đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn, nguồn thức ăn và chế phẩm sinh học để xây dựng mô hình "Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP". Nhờ thay đổi phương thức, quy trình sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn 10% so với trước đây.
Còn tại huyện Thạch Thất, không chỉ thực hiện thành công mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy máy, Trung tâm khuyến nông Hà Nội còn triển khai mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và sử dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ cao (sử dụng máy bay không người lái) tại xã Dị Nậu và xã Hương Ngải trên quy mô 100ha - mang lại hiệu quả rõ nét.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng nhận định, những năm qua, cán bộ khuyến nông luôn là "người bạn" đồng hành cùng nông dân trong việc triển khai các mô hình sản xuất mới…, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, hệ thống trạm thực nghiệm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, tiếp cận các mô hình mới, rồi "bắt tay" vào sản xuất trực tiếp để đánh giá, rút kinh nghiệm làm cơ sở nhân rộng tại các địa phương.
Điển hình như "Mô hình sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao" do Trạm Thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) thực hiện năm 2021 có quy mô 2 nhà màng với diện tích 700m2. Trạm trưởng Trạm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ Đỗ Đức Huyên cho biết, với việc áp dụng mô hình này, trung bình mỗi cây đạt năng suất 2-2,5kg quả. Với giá bán là 25.000 đồng/kg, nếu trồng 3 vụ trong một năm, mô hình cho lợi nhuận 70-80 triệu đồng/1.000m2, gấp 2,5-3 lần so với mô hình canh tác thông thường. Mô hình bước đầu cho thấy phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị tại Hà Nội.
Chia sẻ về việc đưa kỹ thuật, công nghệ mới vào đồng ruộng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà cho biết: Trung tâm đã xây dựng các mô hình khuyến nông trên cơ sở gắn ứng dụng khoa học kỹ thuật với việc lựa chọn các bộ giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu...; đồng thời thực hiện nghiêm quy định từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giao giống đúng tiêu chuẩn đến kiểm soát, giám sát quy trình kỹ thuật…
Góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả tăng trưởng
Năm 2021, ngành Khuyến nông Hà Nội tổ chức thực hiện 20 dạng mô hình gồm trồng trọt, cơ giới hóa, chăn nuôi, thủy sản tại 75 điểm với 1.263 hộ nông dân tham gia. Mục tiêu là chuyển giao công nghệ thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất; giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, qua đó, tăng hiệu quả kinh tế từ 10% đến 20%.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn được triển khai cơ bản đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mang lại hiệu quả thực tế, được nông dân hưởng ứng nhân rộng, địa phương đón nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh những thuận lợi, việc đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân trên địa bàn thành phố vẫn còn những khó khăn như định mức hỗ trợ thấp... Một số văn bản quy định chưa theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp dẫn tới nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới chưa có trong danh sách định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ NN&PTNT... Muốn đưa kỹ thuật mới vào đồng ruộng, cơ quan khuyến nông phải làm nhiều thủ tục trình bổ sung qua nhiều cấp, nhiều ngành, dẫn tới có trường hợp mất thời cơ hoặc quá thời vụ sản xuất… "Vì vậy, cần phải đổi mới hơn nữa việc đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn..." - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương kiến nghị.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, lực lượng khuyến nông là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với ứng dụng thực tế và nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, không chỉ đưa vào thực tế các mô hình ứng dụng kỹ thuật mới ngành Khuyến nông còn cần chú trọng đến việc chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm và cảnh báo nguy cơ để nông dân có bài học thực tế sinh động khi triển khai nhân rộng đại trà trong sản xuất.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, thời gian tới, Khuyến nông Hà Nội cần tập trung theo dõi, giám sát các chương trình, mô hình khuyến nông đã triển khai để xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo, trong đó, ưu tiên lựa chọn, phát triển các mô hình giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để nhân rộng trong sản xuất…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.