(HNM) - Nổi tiếng với nghề trồng hoa, người dân làng Đăm Tây Tựu (Từ Liêm) đã và đang mang nghề của họ đến những miền đất mới. Sự chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, học hỏi đã mang đến cho người Tây Tựu thành công và niềm vui trên những cánh đồng.
Niềm vui của người trồng hoa trên đất Yên Sở.
Cánh đồng hoa xã Yên Sở (Hoài Đức) sớm mùa thu vàng nắng. Chị Nguyễn Thị Bình, người làng Đăm, chủ một vựa hoa lớn ở cánh đồng Yên Sở đon đả mời khách mua hoa. Tám giờ sáng, trong căn chòi lá đơn sơ đã chất đầy những bó hoa đồng tiền đủ màu sắc tươi tắn. Chị Nguyễn Thị Bình kể chuyện: "Năm 2009, gia đình tôi là một trong những người đầu tiên đến đây thuê đất trồng hoa. Khảo sát địa chất, địa lý, địa hình cũng chỉ qua loa nhưng "mắt nghề" mách bảo có thể thành công trên mảnh đất mới này". Thuê 7 sào đất của người dân xã Yên Sở đầu tư trồng hoa đồng tiền, chị Bình cho biết, số vốn bỏ ra gần 200 triệu đồng; năm đầu tiên thành công, năm thứ hai vừa đủ thu hồi vốn nhưng đến năm thứ 3 (năm 2011) thì thất bại hoàn toàn. "Tôi nản lắm. Bao nhiêu công sức, tâm huyết đổ hết xuống sông, xuống biển. Nhưng "đâm lao phải theo lao", hai vợ chồng tôi quyết tâm làm lại từ đầu" - Chị Bình nói. Đến năm 2012, vườn hoa đồng tiền 7 sào của chị mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 25.000 đến 30.000 bông hoa. Thời điểm này chị Bình đang đổ buôn ở các chợ Nhật Tân, Quảng Bá với giá 20.000 đồng/20 bông, tổng thu khoảng từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh cũng là người dân Tây Tựu thuê đất trồng hoa ở Yên Sở ngay từ những ngày đầu. Năm nay 39 tuổi, chị Hạnh đã có 18 năm theo nghề trồng hoa. Chị cho biết, ở quê nhà làng Đăm, gia đình có 6 sào đất trồng hoa nhưng muốn kiếm tìm cơ hội mới, chị cùng một số người dân đi thuê đất ở nơi khác để mở rộng nghề truyền thống. "Ở làng Đăm xưa trồng lúa là chính nhưng nay đã đổi khác, nghề chính lại là trồng hoa. Người dân làng Đăm đang cung cấp một nguồn hoa lớn cho Thủ đô và nhiều tỉnh thành lân cận" - Chị Hạnh nói. Vườn hoa cúc của gia đình chị Hạnh có diện tích lên đến 1,5 mẫu. Mỗi một sào đất trồng cúc sẽ cho thu hoạch khoảng 20.000 bông, rơi vào thời điểm đắt nhất thì bán buôn được khoảng 2.000 - 3.000đồng/bông.
"Chăm bẵm một cây hoa cũng là chăm bẵm một sự sống và cần những người biết trân trọng những sự sống" - Chị Đặng Thị Ánh, ở thôn 2, xã Tây Tựu nói về cái nghề vừa toát lên sự hào hoa, vừa chứa đựng sự cần mẫn của người dân làng mình. Chị Ánh cùng hàng chục người dân Tây Tựu khác đã và đang mang đến một sức sống mới, những gam màu tươi vui cho cánh đồng Yên Sở. Nhưng nói vậy chưa đủ, ít ai biết rằng, đằng sau những hình ảnh đẹp đến say lòng người ấy là cả một sự vất vả của người trồng hoa. Mỗi loại hoa một "tính cách" khác nhau. Hoa cúc, hoa hồng không "kỹ tính", nhưng hoa ly, hoa đồng tiền thì ngược lại, ưa kỹ thuật và môi sinh phải được trồng trong nhà phủ nilông, trong giàn lưới mát… Chị Nguyễn Thị Nguyệt, xóm 4, xã Yên Sở đang làm thuê cho vườn hoa của chị Nguyễn Thị Bình cho biết: "Có hàng chục lao động làm thuê của xã Yên Sở đang cùng trồng hoa với người Tây Tựu trên cánh đồng này. Với tiền cho thuê, nhiều người dân đã có thu nhập ổn định, vừa không để đất lãng phí và có việc làm quanh năm". Không xuất thân từ Tây Tựu, nhưng qua 3 năm giúp việc cho người trồng hoa, chị Nguyệt đã rút ra một điều: "Hoa cũng giống con người, nếu mình tâm huyết hoa sẽ không phụ mình. Trồng hoa là một nghề vất vả một nắng hai sương, biết được điều này để thấy trân trọng, thấy được giá trị của những bông hoa".
Nghề hoa ở Tây Tựu phát triển cách đây gần 20 năm, nhưng đến nay đã nổi tiếng không kém những vùng hoa Nhật Tân, Quảng Bá. Nhiều người nói, cây hoa về với Tây Tựu là gặp đất, gặp người. Có lẽ vì vậy mà chỉ có người Đăm mang cây hoa của họ đến nhiều miền đất lạ mới "đơm hoa kết trái". Hiện ở xã Yên Sở có khoảng 6ha trồng hoa của hơn 20 người dân xã Tây Tựu. Ông Nguyễn Tín Thành, cán bộ văn phòng UBND xã Yên Sở cho biết, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người trồng hoa phát triển nghề. Từ khi có nghề trồng hoa, bộ mặt nông thôn mới của xã thêm khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.