Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa hàng Việt vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài

Thanh Hiền| 09/04/2023 07:19

(HNM) - Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đã đến với hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới. Tiêu thụ hàng hóa thông qua hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

Mặt hàng nông sản của Việt Nam bày bán ở Siêu thị AEON tại Nhật Bản. Ảnh: Xuân Toàn

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài hiện diện tại Việt Nam tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ việc phát triển sản phẩm, thị trường, đến kết nối giao thương để đưa hàng Việt thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài.

Từ khi đề án của Chính phủ về “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” được triển khai, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về một mô hình kinh doanh mới ngày càng sâu sắc hơn. Doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế, phát triển được các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong các chuỗi cung ứng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, các hệ thống phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và một số địa phương, qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống của tập đoàn bán lẻ nước ngoài, mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, sự hiện diện của các nhà phân phối bán lẻ lớn như WalMart, AEON, Central Retail, Lotte, Mega Market… là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ngày càng phát triển giữa Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, cũng như sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong vai trò là thị trường bán lẻ, là nguồn cung quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông qua các hoạt động trên, nhiều sản phẩm Việt Nam không chỉ tìm được vị trí ổn định trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu thành công ra nhiều thị trường thế giới, nơi các doanh nghiệp này đặt hệ thống phân phối.

Giám đốc thu mua và xuất khẩu Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Karim Noui khẳng định, thành công của Central Retail không chỉ gói gọn trong kinh doanh, mà còn cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng Việt.

Nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Central Retail triển khai trong thời gian qua, như: Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thường niên, hay Tuần lễ hàng nông sản được tổ chức khắp các địa phương Việt Nam... Cùng với đó, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển toàn diện thương hiệu cạnh tranh để thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ và hỗ trợ nông dân địa phương phát triển sinh kế bền vững thông qua các chương trình thu mua nông sản với mức chiết khấu 0%…

“Ngoài việc hỗ trợ người tiêu dùng ở thị trường nội địa, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, xúc tiến đưa hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn ở Thái Lan, Italia... Đây cũng là tiêu chuẩn mà Tập đoàn đặt ra khi thu mua hàng hóa tại Việt Nam”, ông Karim Noui nói.

Tuy nhiên, để hàng hóa Việt có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là bảo đảm chất lượng.

Giám đốc cao cấp bộ phận sản phẩm Tập đoàn AEON tại Việt Nam Fukui Tomoiaki chia sẻ quan điểm xuyên suốt của AEON là mang đến cho khách hàng các sản phẩm an toàn, an tâm, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ trang trại đến bàn ăn.

Tập đoàn MM Mega Market cũng khẳng định, hệ thống của MM Mega Market không chỉ cung cấp sản phẩm cho các khách hàng cá nhân, mà còn là đối tác của các nhà hàng, căng tin, khách sạn, bếp ăn công nghiệp... nên việc bảo đảm chất lượng hàng hóa là giải pháp phát triển kinh doanh bền vững.

Để nâng tầm mối quan hệ hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các bên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mong muốn, đại diện các tập đoàn bán lẻ chia sẻ, cung cấp thêm thông tin, yêu cầu cụ thể để các doanh nghiệp Việt Nam có được cái nhìn toàn diện hơn, từ đó có định hướng điều chỉnh phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa hàng Việt vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.