Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa Hà Nội trở thành thành phố bên sông đáng sống

Dạ Khánh| 01/04/2021 06:13

(HNM) - Tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với thành phố Hà Nội ngày 28-3, Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT sớm thỏa thuận Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống để phê duyệt trong tháng 6-2021, giúp Thủ đô phủ kín quy hoạch phân khu đô thị. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1 (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) Hoàng Long cho biết, điểm nhấn của đồ án quy hoạch này là hướng đô thị về phía dòng sông, để Hà Nội trở thành thành phố bên sông đáng sống.

Quy hoạch phân khu sông Hồng là cơ sở để Hà Nội phát triển thành thành phố bên sông xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Nguyễn Quang

- Một yêu cầu được đặt ra là Quy hoạch phân khu sông Hồng phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1259) và Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quy hoạch 257). Vậy sau khi rà soát, có những điểm nào còn chưa khớp giữa hai quy hoạch, thưa ông?

- Về quản lý sử dụng bãi sông, cơ bản Quy hoạch 1259 và Quy hoạch 257 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 và Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016, có sự phù hợp. Tuy nhiên, với một số bãi sông, khu vực dân cư, đang có sự không thống nhất. Cụ thể, Quy hoạch 1259 xác định có 3/7 bãi sông không được phát triển đô thị mới thì tại Quy hoạch 257, 7/7 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5-15%. Về 12 khu vực dân cư hiện có trên bãi sông, theo Quy hoạch 1259 hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề (quận Long Biên) được giữ lại, trong khi nếu theo Quy hoạch 257 lại phải di dời...

- Việc không thống nhất nêu trên dẫn tới những khó khăn gì, thưa ông?

- Quy hoạch 1259 định hướng hành lang hai bên sông Hồng cần phù hợp quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết và quy hoạch đê điều. Như vậy, đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng cần tuân thủ Quy hoạch 257. Cụ thể, tại các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông, các hộ dân nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm sẽ phải di dời ngay. Một số khu dân cư ở khu vực lòng sông hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn cũng sẽ từng bước được di dời. Những khu vực được tồn tại thì sẽ cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất...

Các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng nếu theo Quy hoạch 1259 được giữ lại khu vực dân cư nằm từ chỉ giới hành lang thoát lũ về phía đê chính, nhưng theo Quy hoạch 257 thì khu vực này không thuộc danh mục cần di dời, cũng không thuộc danh mục được tồn tại, bảo vệ. Việc di dời khu vực dân cư tập trung đang sinh sống ổn định ra khỏi vùng bãi sông khó khả thi và không đủ nguồn lực thực hiện.

- Vậy, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tham mưu thành phố Hà Nội giải quyết sự thiếu thống nhất giữa các quy hoạch như thế nào?

- Viện đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT Hà Nội để rà soát, thống nhất các nội dung về dân cư, quy hoạch sử dụng bãi sông, giải pháp phòng, chống lũ, bảo đảm phù hợp giữa Quy hoạch 257 và Quy hoạch phân khu sông Hồng. Viện cũng đã chủ động báo cáo UBND thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất phương án quy hoạch trên cơ sở tuân thủ Quy hoạch 257 và bổ sung danh mục khu dân cư được tồn tại để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đồng thời gửi hồ sơ xin ý kiến Bộ NN&PTNT. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của cấp có thẩm quyền, Viện sẽ hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch này.

- Khi được phê duyệt, theo đồ án quy hoạch, diện mạo khu vực ven sông Hồng thay đổi ra sao?

- Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng đề xuất các mục tiêu: Bảo đảm an toàn phòng, chống lũ; cải tạo chỉnh trang và tái thiết đô thị; ổn định, nâng cao đời sống cho dân cư hai bên sông; xây dựng các công viên cảnh quan, văn hóa, sinh thái phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của người dân... Đặc biệt, quy hoạch sẽ phát huy giá trị cảnh quan của trục không gian sông Hồng, hướng đô thị về phía dòng sông.

Do đó, đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý theo quy hoạch. Theo đó, các khu vực dân cư hai bên sông Hồng sẽ được sinh sống ổn định, cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới, bổ sung các công trình công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Đối với diện mạo Thủ đô thì đây là trục không gian cây xanh, mặt nước đặc trưng, với các công viên cây xanh cảnh quan, công viên vui chơi giải trí... phục vụ các lễ hội lớn. Việc hình thành các khu đô thị mới chất lượng cao, hệ thống giao thông hai bên sông và các cây cầu mới bắc qua sông Hồng là động lực để thu hút đầu tư, hướng toàn đô thị về phía dòng sông, để Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố bên sông, xanh, sạch, đẹp và đáng sống.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Hà Nội trở thành thành phố bên sông đáng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.