Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa bóng đá trở về giá trị thực

Huy Hoàng| 27/08/2012 07:08

(HNM) - Vài ngày trước, khi trả lời báo giới về việc một vài doanh nghiệp gặp khó khăn và có thể rút khỏi bóng đá, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ đã cho rằng:


Bóng đá Việt Nam sau giai đoạn phát triển “nóng” sẽ trở về đúng giá trị thực.
Ảnh: Đức Anh


Điều lo ngại đó cũng chính là nỗi lo hiện hữu của bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên sau 5-6 năm, khi kết thúc mùa giải người ta không nghe thấy bất cứ một vụ chuyển nhượng lớn nào. Hầu hết đại gia hàng đầu của bóng đá Việt Nam những năm qua đều ''khép cửa hờ'' chứ không mở toang cửa đón những bản hợp đồng bom tấn như trước. Mạnh cỡ B.Bình Dương cũng chỉ lấy về chân sút Kavin Bryan từ đội bóng xuống hạng V.Hải Phòng sau khi vụ chuyển nhượng chân sút người Jamaica của CLB Bóng đá Hà Nội bị đổ bể vào phút chót. HA.GL cũng chỉ có một sự bổ sung là tiền đạo Oseni từ K.Kiên Giang và tuyên bố đóng cửa chuyển nhượng.

Hai đội bóng từng khuấy đảo thị trường chuyển nhượng V.League trong những năm qua là Sài Gòn.XT và đặc biệt là N.Sài Gòn đều chưa có kế hoạch bổ sung lực lượng. Thậm chí, hàng loạt trụ cột sắp hết hợp đồng ở 2 đội bóng này cũng chưa có thông tin gì về kế hoạch tái ký hợp đồng. Các cầu thủ N.Sài Gòn đứng trước tương lai bất định khi tin đồn nhà tài trợ rời bỏ bóng đá ngày một dồn dập. Hai đội bóng được cho là có liên quan đến ông bầu Đỗ Quang Hiển là SHB.Đà Nẵng và Hà Nội.T&T cũng chỉ tập trung vào việc gia hạn hợp đồng với những cầu thủ hiện tại chứ chưa thấy nói gì đến những bản hợp đồng mới.

Thế nên mới có chuyện lạ, rằng một cầu thủ ''hot'' như Nguyễn Trọng Hoàng đã hết hợp đồng với CLB SLNA mà chẳng có cuộc đua nảy lửa nào giữa các đội bóng đại gia nhằm đưa cầu thủ này về. Nếu đặt trường hợp này vào bối cảnh 1-2 năm trước, chắc chắn khối ông chủ hỏi mua cầu thủ này. Hiện nay, Trọng Hoàng đang trong quá trình thương thảo tái ký hợp đồng với CLB SLNA, nhưng phía đội bóng không có tiền, vẫn phải chờ cái gật đầu từ nhà tài trợ.

Một nhà môi giới cầu thủ có tiếng của Italia là D.Rossi mới đặt chân vào thị trường Việt Nam đã đánh tiếng với hàng loạt ông chủ giàu có và máu mê bóng đá của V.League về những cầu thủ khá nổi từ đất nước hình chiếc ủng, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Nhà môi giới này đã phải thốt lên: "Tôi cứ tưởng chỉ ở Châu Âu tình trạng kinh tế khó khăn mới ảnh hưởng sâu sắc đến bóng đá, nhưng không ngờ tình hình ở Việt Nam cũng không khác bao nhiêu. Kiếm tiền từ bóng đá bây giờ quả là khó khăn''.

Trong bối cảnh hiện nay, những chi phí quảng bá (như việc đầu tư vào bóng đá) được các doanh nghiệp nghĩ đến sau cùng. Thời kỳ mà các đội bóng tranh mua, tranh bán khiến giá cầu thủ bị đẩy lên cả chục lần đã qua. Kinh phí nuôi một đội bóng chuyên nghiệp hiện nay tối thiểu cũng phải 40-50 tỷ đồng, còn với những đội bóng có nhiều ngôi sao thì tổng chi phí lên tới 100 tỷ đồng là chuyện thường. Đây là khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đang phải vật lộn với cuộc chiến trên thương trường.

Đã có nhiều dự đoán rằng tình hình bóng đá Việt Nam trong những năm tới còn khó khăn hơn rất nhiều khi số lượng doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và đam mê để nuôi một đội bóng sẽ ngày càng ít. Suy cho cùng, đó cũng là hậu quả mà bóng đá Việt Nam phải gánh chịu sau khi đã phát triển quá "nóng" và thiếu bền vững trong những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa bóng đá trở về giá trị thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.