(HNM) - Đề án 1816 "đưa bác sĩ về hỗ trợ tuyến y tế cơ sở" của TP Hồ Chí Minh đã thu được kết quả rõ rệt, nhất là với những vùng khó khăn, xa trung tâm như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả lâu dài, bền vững thì đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cần được xem là yếu tố quyết định.
Một tin vui vừa đến với người dân huyện miền biển Cần Giờ: Sau 20 năm thành lập, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện huyện đã có ca phẫu thuật đầu tiên thành công. Sự kiện "lịch sử" đó là ca mổ sinh cho thai phụ Huỳnh Thị Hiền, trú ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ), thực hiện đầu tháng 3 vừa qua. Hiện chị Hiền và cháu bé Đỗ Trí Chung trong tình trạng sức khỏe tốt.
Niềm vui của đội ngũ y bác sĩ khi thực hiện thành công ca mổ sinh đầu tiên tại Bệnh viện huyện Cần Giờ. |
Tay ôm con, mặt rạng ngời hạnh phúc, chị Hiền xúc động nói: "Tui cảm ơn các bác sĩ và mong bệnh viện ngày càng phát triển để có nhiều người được hưởng hạnh phúc như gia đình tui". Bác sĩ Dương Hoàng Anh (Bệnh viện Hùng Vương) không giấu được niềm vui: "Chúng tôi rất hạnh phúc khi đã mang lại niềm vui và niềm tin cho người dân vùng đất khó khăn này". Giám đốc Bệnh viện Cần Giờ Đoàn Ngọc Huệ tự hào cho biết: "Để có ca mổ thành công đầu tiên, được sự giúp sức của bác sĩ tuyến trên, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ về nhân lực và trang thiết bị từ 1 năm nay. Một ca mổ thành công, một cháu bé ra đời, niềm vui này không bó hẹp trong phạm vi một gia đình mà lan tỏa đến từng hộ dân ở vùng đất mặn Cần Giờ. Hơn thế, đây cũng là dấu mốc quan trọng để ngành y tế huyện Cần Giờ vững tin phục vụ nhân dân".
Sau ca mổ đầu tiên, Bệnh viện Cần Giờ tiếp tục thành công với 6 ca phẫu thuật có mức độ phức tạp hơn như thai ngoài tử cung, viêm ruột thừa cấp, u nang buồng trứng xoắn, viêm ruột thừa... "Nặng" nhất là ca phẫu thuật u nang buồng trứng xoắn cho bệnh nhân Trần Thị Thơm. Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, không được chẩn đoán sớm và mổ cấp cứu kịp thời tại bệnh viện thì khi di chuyển đến bệnh viện tuyến trên (với chiều dài ít nhất 80km), tình trạng bệnh nhân Thơm sẽ nặng nề hơn, thậm chí nguy kịch, chi phí cũng tốn kém hơn nhiều.
Triển khai Đề án 1816 giai đoạn 2, Bệnh viện Cần Giờ đang tiếp nhận các bác sĩ từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Tai Mũi Họng để thực hiện khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật. Bệnh viện cũng chủ động đưa 10 cán bộ thuộc các khoa sản, khoa ngoại, gây mê, xét nghiệm, điều dưỡng và nữ hộ sinh đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.
Trong gần 3 năm triển khai, Đề án 1816 của ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng lợi từ các biện pháp điều trị kỹ thuật cao, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, giúp tuyến dưới khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực chuyên môn cao và biết cách sử dụng trang thiết bị tiên tiến... Giai đoạn đầu, ngành y tế TP đã chỉ đạo 24 bệnh viện tham gia đề án, cử gần 3.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ 64 cơ sở y tế ở 28 tỉnh, thành phố phía nam; chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành; đồng thời đã mở hơn 1.000 lớp tập huấn cho khoảng 16.000 lượt học viên về khám chữa bệnh, sử dụng trang thiết bị y tế. Số bệnh nhân được khám, điều trị từ đề án lên đến gần 140.000 người, hàng nghìn ca phẫu thuật được thực hiện tại chỗ, giảm khoảng 17% tỷ lệ chuyển tuyến trên. Ngoài hỗ trợ các tỉnh phía Nam, Sở Y tế TP đã triển khai sâu rộng Đề án 1816 đến các quận, huyện, với hàng trăm lượt cán bộ luân phiên đi hỗ trợ tuyến cơ sở. Thực hiện giai đoạn 2 của đề án, Sở Y tế tiếp tục luân chuyển bác sĩ, điều dưỡng của 10 bệnh viện TP cho 4 bệnh viện tuyến huyện, gồm Cần Giờ, Bình Chánh, Bình Tân và Nhà Bè, trong thời gian 1-2 năm.
Mặc dù Đề án 1816 đã đạt một số kết quả khả quan, nhưng quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi bệnh viện tuyến trên đang đối phó với tình trạng quá tải, lực lượng còn chưa đủ lại phải tham gia đề án trong thời gian dài; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của nhiều bệnh viện tuyến dưới còn hạn chế... Thực tế cho thấy, việc Bộ Y tế yêu cầu định mức cử cán bộ luân phiên quá cao đã "làm khó" cho tiêu chí lựa chọn cán bộ cũng như nội dung luân phiên phù hợp, do vậy, ngành y tế TP kiến nghị Bộ cho phép các bệnh viện được chủ động lập kế hoạch hỗ trợ theo từng giai đoạn và địa bàn cụ thể. Bác sĩ Nguyễn Văn Giang (Bệnh viện Hùng Vương, người đã tham gia Đề án 1816 theo hình thức luân phiên từ năm 2011 đến nay), cho rằng, bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở y tế tuyến dưới, Bộ Y tế nên cho phép các bệnh viện tuyến trên tổ chức giám sát sau luân phiên, nhằm đánh giá khả năng và xác định nhu cầu hỗ trợ tiếp, đồng thời tăng cường kinh phí cho công tác đào tạo cán bộ tuyến dưới, bởi nếu không đủ trình độ sẽ khó có thể tiếp nhận hỗ trợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.