(HNM) - Tết Nguyên đán Tân Mão, người lao động được nghỉ 8 ngày, từ 31-1 đến hết 7-2. Chính thức được nghỉ 8 ngày nhưng vì 30 và 31-1 là thứ bảy, chủ nhật - hai ngày làm bù - nên người
Thế mới có chuyện không khí hai ngày làm bù 31-1 và 1-2 (28 và 29 tháng Chạp năm Canh Dần) được cánh truyền thông đúc kết bằng tựa đề thú vị "Công sở vắng hoe, siêu thị đông nghịt", lại đăng kèm ảnh một số công sở, doanh nghiệp, nơi tiếp dân "đầy bàn không có người ngồi", ý nói cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nhà ta tranh thủ bỏ nhiệm sở đi sắm Tết.
Ngày thứ bảy làm bù ấy, cái thẻ ATM không hiểu thế nào mà bị khóa dù không bấm sai mật khẩu hoặc giao thẻ cho ai. Gọi cho bộ phận liên quan ở Hà Nội mãi mới có người nghe, cô trực tổng đài hây hẩy đuổi khéo: "Cái này anh phải hỏi bộ phận trung ương", rồi dập máy. Đến chi nhánh ở đường Nguyễn Phong Sắc, hai cô giao dịch viên giúp lấy lại quyền giao dịch với ATM, nhưng máy rút tiền tự động tại chi nhánh hỏng, "giờ này thì chẳng có ai sửa đâu anh ạ". Ra chi nhánh khác, ở đường Nguyễn Cơ Thạch, thấy cửa nhôm cuốn hạ 2/3, ngoài dán giấy ghi: "… nghỉ giao dịch để họp tổng kết". Họp mà tối om, chả đèn đóm gì, máy ATM ở ngoài trong tình trạng "ò í e để bảo dưỡng". Lúc đó là 14h30, như người ta gọi là "giờ làm việc". Ra Tết, mùng 6, muốn đầu năm túi nằng nặng một tý nên rẽ qua mấy cái ATM ở gần nhà. Hai, ba cái "ò í e" cả...
Mùng 6 tháng Giêng, đường sá tấp nập, công sở rộn rã trở lại. Nhưng đấy là đầu giờ hành chính, giờ mà hầu hết cơ quan tiến hành nghi thức chúc Tết CBCNV, thể nào cũng được nhận lì xì lấy may. Chứ sau vài giờ buổi sáng thì người không bận giải quyết công việc trực tiếp bắt đầu "tranh thủ". Truyền thông lại đưa cảnh đình, chùa đông hơn công sở; chủ nhà hàng, quán cà phê quây bàn, "nới mâm" để thực khách chúc Tết nhau. Có nơi phóng viên không xông vào công sở được thì đưa ảnh bãi xe cơ quan này, đơn vị kia… "hiu quạnh" hơn ngày thường. Và ngày 7 tháng Giêng (tức 9-2-2011), tình cảnh đó vẫn diễn ra...
Chuyện CBCNV ăn bớt giờ nhà nước để làm việc riêng không còn lạ ở ta, đặc biệt là ở các đơn vị hành chính; vào dịp lễ, tết, sự thể càng nghiêm trọng. Cán bộ, người lãnh đạo không tròn bổn phận dễ làm liên lụy người khác. Nhiều khi sự vắng mặt tại nhiệm sở của một người có thể làm nhiều người bị thiệt hại, mới thấy không thể coi cái sự "du xuân trái phép" là chuyện cá nhân, là nhỏ được.
Tại sao cái sự chểnh mảng năm nào cũng diễn ra dù nơi nào cũng có quy chế làm việc? Nguyên nhân thì nhiều, điều cơ bản thuộc về ý thức cá nhân và sự giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế; nói rộng hơn là vấn đề thưởng - phạt có nghiêm không. Muốn để hiện tượng "rẽ ngang rẽ ngửa" không diễn ra, chẳng có cách nào hơn là thẳng tay phạt người vi phạm, không loại trừ ai, phạt đủ mức răn đe và có hình thức tăng nặng với trường hợp tái phạm. Tốt nhất là "trói" cái sự phạt với lương, thưởng, chứ chỉ phê bình, nhắc nhở thì hiệu quả không cao. Và muốn phạt được cấp dưới, duy trì kỷ luật thì người lãnh đạo phải làm gương mới được. Nội trong một cơ quan thì thế, lại cần thêm cơ chế giám sát từ trên, kiểu như thanh tra công vụ các cấp mới hy vọng ngăn được cái sự ăn gian giờ nhà nước.
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi" - ngày xưa là vậy, nhưng xã hội hiện đại phải khác. Hội xuân thì vài tháng nữa mới tạm khép lại. Nếu lúc này, nhà quản lý không siết kỷ luật và coi đó là việc nghiêm túc thì cơ sự "du xuân trái phép" sẽ còn kéo dài, Nhà nước còn thiệt hại, người dân còn bị "hành" là... chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.