(HNM) - Với chủ đề
Theo ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thông qua ngày Nước thế giới 2016, Liên hợp quốc muốn nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vai trò của người nông dân biết sử dụng nguồn nước một cách thông minh sẽ quan trọng hơn bao giờ hết. Với 1 tỷ người làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp, bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn nước sẽ là điều kiện tiên quyết quyết định sự tồn tại của khu vực này. Hưởng ứng chủ đề ngày Nước thế giới 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều giữa nước và các chương trình việc làm hữu ích, hướng tới bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững.
Yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngày càng cấp thiết. Ảnh: Phúc Châu |
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Các sông, suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên khắp cả nước. Thêm nữa, Việt Nam lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nên được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. Song có một thực tế những con sông lớn, như Sông Hồng, Mê Kông... phần chảy qua Việt Nam đều ở hạ lưu, nên phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác, thay đổi dòng chảy từ phía thượng nguồn. Sông Mê Kông là một ví dụ điển hình, khi ở thượng nguồn, Trung Quốc xây dựng 5 bậc thang thủy điện, khiến nguồn nước mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm đáng kể. Mặn ở 9 cửa sông hạ lưu xâm nhập sâu vào nội địa bất thường, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản các tỉnh ven biển ĐBSCL. Theo ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, cùng với việc lượng mưa trên toàn lưu vực ĐBSCL ở mức thấp lịch sử, thì nguyên nhân chính tác động đến lưu lượng nước sông Mê Kông là do 10 công trình thủy điện đang hoạt động trên dòng chính đã giữ nước lại.
Ngoài tình trạng khô hạn trong mùa khô, việc xả nước bất ngờ từ các công trình thủy điện đầu nguồn cũng là ẩn họa, khiến các quốc gia ở hạ lưu sông trở tay không kịp, nếu không được thông báo trước. Dư luận vẫn chưa quên hình ảnh lũ Sông Hồng bất ngờ dâng cao, cuốn trôi và làm đắm thuyền bè, tàn phá nhiều diện tích hoa màu của nhân dân xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) vào tháng 10-2015 do việc xả lũ với lưu lượng lên tới 2.500m3/giây ở Trung Quốc (cách TP Lào Cai khoảng 100km)...
Rõ ràng, việc phân chia hợp lý nguồn nước giữa các quốc gia trên lưu vực sông là rất cần thiết, phải được điều chỉnh hợp lý, công bằng. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Cường, hiện Trung Quốc chưa tham gia vào Ủy hội sông Mê Kông, nên các quốc gia trong Ủy hội chỉ có thể đề xuất việc sử dụng một cách hợp lý, tránh ảnh hưởng đến quyền dùng nước ở phía hạ lưu. Hành động hợp tác của Trung Quốc vừa qua - quyết định tăng gấp đôi lưu lượng xả nước ở đập Cảnh Hồng (Vân Nam) là rất đáng ghi nhận và cần tiếp tục được phát huy.
Về lâu dài, nhằm giải quyết bài toán khô hạn, Việt Nam cần có các nghiên cứu kỹ lưỡng về chia sẻ nguồn nước giữa các lưu vực sông. Như trường hợp tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, không chỉ trông chờ vào các hồ chứa trong vùng mà cần xem xét các phương án chuyển nước từ sông Đồng Nai sang. Với những năm xảy ra diễn biến bất thường về nguồn nước, cần phải có những đánh giá đầy đủ, kịp thời để có những biện pháp điều chỉnh. Các ngành phải có dự trữ cho các trường hợp xảy ra khô hạn, thiếu nước, như dự trữ lương thực, năng lượng, thức ăn cho chăn nuôi; và quan trọng nhất là dự trữ về nguồn nước hợp lý, có các giải pháp tận dụng và sử dụng nước hiệu quả, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.