Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV: Vẫn xa rời thực tiễn!

Sơn Tùng| 10/09/2014 06:22

(HNM) - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa xây dựng dự thảo thông tư mới về quản lý thuốc bảo vệ thực vật và đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp từ nay đến tháng 10-2014.



Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện theo dự thảo thông tư này, Việt Nam có nguy cơ phụ thuộc vào nước ngoài bởi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thuốc BVTV trong nước sẽ gặp nhiều rào cản trong sản xuất kinh doanh thuốc BVTV.

Cần thường xuyên tập huấn cho nông dân về kiến thức sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV. Ảnh: Khánh Nguyên


Dù là một nước sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng có sản lượng xuất khẩu lớn nhưng có một thực tế đáng buồn là hằng năm nước ta phải nhập khẩu tới 75% thuốc hoặc nguyên liệu để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế này dẫn đến tình trạng không kiểm soát được về chất lượng, tính an toàn cho môi trường và giá cả… Ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Hội DN sản xuất kinh doanh thuốc BVTV (VIPA), cho rằng, dự thảo thông tư quản lý thuốc BVTV lần này có hơn 100 điều khoản thì đa phần xa rời thực tế đồng ruộng Việt Nam. Các nhà quản lý dường như đang đẩy hết phần khó khăn cho DN tạo ra rào cản cho nền công nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV trong nước mới đang le lói hình thành. DN trong nước sẽ mất thị trường, mất kiểm soát về sản phẩm ngay trên đất nước mình. Quy định về thủ tục pháp lý bằng hệ thống giấy tờ phức tạp, tạo điều kiện cho một số đối tượng lách luật và phát sinh những tiêu cực khác.

Chuyên gia Nguyễn Trần Oánh (Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam) cho rằng: Thực tế, hầu hết các DN trong nước hiện nay chỉ là các nhà gia công thuốc BVTV và họ đóng vai trò quan trọng trong việc làm phong phú các loại sản phẩm. Tuy nhiên, theo thông tư này, các nhà gia công thuốc BVTV không được coi là nhà sản xuất mặc dù hiện nay, trên cơ sở nhập nguyên liệu thô về, DN trong nước thực hiện sang chiết, đóng gói… và cho ra đời nhiều loại thuốc BVTV chất lượng tốt, giá cả phải chăng, có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, nếu chỉ công nhận các nhà sản xuất với các sản phẩm đi kèm, vô hình trung ta tạo "sân chơi" cho các DN nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh thị trường. DN trong nước sẽ bị xóa sổ, kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp. Đây đang là vấn đề khiến nhiều DN gia công phân bón trong nước bức xúc, trăn trở. Ông Oánh cho rằng, trong điều kiện khoa học kỹ thuật của Việt Nam hiện nay, thay vì gạt đối tượng này, thông tư nên quy định rõ trách nhiệm cho các đơn vị gia công hay nhà sản xuất có nghĩa vụ, trách nhiệm, thực hiện các nội quy, quy định như nhau. Để cả hai cùng bình đẳng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa DN trong nước và DN nước ngoài.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ và kinh doanh thực vật (Điều 5 mục 3) nêu: Khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc BVTV, hệ thống thu gom, xử lý và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc BVTV được làm từ vật liệu dễ tái chế… nhưng trong thông tư dự thảo chưa có quy định cụ thể và chi tiết về vấn đề này. Trong khi đó, các thủ tục đăng ký thuốc BVTV còn phức tạp, phiền hà, rắc rối... Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh doanh thuốc BVTV cho rằng: Nếu mặt hàng thuốc BVTV phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia, chắc chắn khi đó giá thuốc sẽ cao; lợi nhuận về kinh doanh thuốc được chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài, tác động xã hội sẽ không nhỏ như đã từng xảy ra đối với mặt hàng sữa bột những năm gần đây.

Một vấn đề nóng trong thời gian qua trên thị trường thuốc BVTV đó là vấn đề giá. Dư luận cho rằng, giá thuốc BVTV đang bị một nhóm các công ty lớn thâu tóm và đẩy giá quá cao, chưa đúng với chất lượng sản phẩm. Nhưng trong dự thảo thông tư lần này, vấn đề quản lý giá thuốc BVTV chưa được nhắc tới. Còn đại diện Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng: Hiện nay, việc nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu hại ở Việt Nam chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm và quy mô sản xuất thử nên giá thành còn cao. Khả năng bảo quản thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học của nhiều doanh nghiệp còn chưa cao nên khó khăn trong việc bảo quản, lưu thông, phân phối và sử dụng. Trong khi đó, trong thông tư cũng chưa thực sự có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích việc đưa các chế phẩm sinh học vào đồng ruộng, thay thế dần các loại thuốc BVTV có hàm lượng cao.

Theo Thạc sĩ Lê Quốc Điền (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), giải pháp cấp bách hiện nay cho vấn đề quản lý thuốc BVTV ngoài các hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng cần đi đôi với quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa lớn, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra việc mua bán và sử dụng các loại thuốc BVTV bị cấm hoặc hạn chế; đồng thời tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên rau, củ quả tại các chợ đầu mối trong từng khu vực và cả nước để làm cơ sở đánh giá về quản lý thuốc BVTV tại các vùng miền…

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng giá trị dành cho nhập khẩu thuốc BVTV của Việt Nam trong năm 2013 là 702 triệu USD (không kể hương muỗi, các hóa chất xử lý nước và các ngành khác). Riêng 7 tháng đầu năm nay, nước ta cũng phải bỏ ra tới 475 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó 57% là nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch, còn con số nhập lậu thì không thể thống kê hết được.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV: Vẫn xa rời thực tiễn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.