(HNM) - Giám định cổ vật là lĩnh vực vừa đặc thù, vừa khó khăn, phức tạp nên cần có những điều kiện hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư quy định về cơ sở giám định cổ vật nhằm cụ thể hóa một số điều của Luật Di sản đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vẫn chưa "chạm" tới được những "góc khuất" của hoạt động vốn rất nhạy cảm này.
Việc thành lập các cơ sở giám định uy tín sẽ giúp thị trường cổ vật thoát cảnh vàng thau lẫn lộn. Ảnh: Viết Thành |
Nhu cầu có thực
Thực tế còn cho thấy, từ khi Luật Di sản văn hóa chưa ra đời, các nhà sưu tập tư nhân đã cùng nhau thành lập Hội Sưu tầm gốm và cổ vật Thăng Long vào năm 1999 (nay đổi tên là Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội). Tiếp đến là sự ra đời của Hội Cổ vật Thiên Trường - Nam Định, rồi Hội Cổ vật Thanh Hoa của Thanh Hóa. Đến năm 2009, lại có thêm hai hội nữa ra đời là Hội Cổ vật Hải Phòng và Hội Cổ vật Kinh Bắc - Bắc Ninh... Thông qua các cuộc triển lãm cổ vật tư nhân, các hoạt động hiến, tặng cổ vật cho các bảo tàng đã diễn ra trên khắp các tỉnh, thành. Gần đây, cũng đã có một số hội viên lặn lội sang các chợ đấu giá cổ vật ở khu vực Đông Nam Á, rồi châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc để mua, mang về nước... Như vậy, sự ra đời của các hội cổ vật đã phần nào đưa hoạt động mua, bán, trao đổi, hiến tặng cổ vật thoát khỏi tình trạng "áo gấm đi đêm". Mặc dù vậy, giới chơi cổ vật cho rằng, lượng cổ vật đang lưu giữ trong dân rất lớn, thật, giả lẫn lộn và họ vẫn tiến hành mua bán trao tay. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ vật với tính đặc thù là hiện thân của lịch sử, văn hóa đã, đang bị "chảy máu" ra nước ngoài.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ VH,TT&DL đã từng có thông tư khuyến khích người dân đăng ký kê khai cổ vật. Nhưng có thực tế là nước ta chưa đủ lực lượng, thậm chí chưa phân chia được các cấp với quyền hạn, nghĩa vụ, tổ chức để giám định cổ vật. Theo ông Nguyễn Bằng Giang, giảng viên Khoa Bảo tồn - Bảo tàng, Đại học Văn hóa Hà Nội thì cổ vật được giám định như con người có chứng minh thư nhân dân, giúp cho công chúng hiểu được cổ vật đó xuất xứ từ đâu, niên đại thế nào, chất liệu ra sao... để nhận ra giá trị và gìn giữ nó. Từ đó, ông Giang cho rằng việc thành lập thêm các cơ sở, có thêm các chuyên gia giám định cổ vật để thị trường cổ vật không còn vàng thau lẫn lộn như hiện nay là đòi hỏi tất yếu khách quan nhưng không thể thành lập một cách ồ ạt bởi đây là công việc hết sức đặc thù.
Có nên xã hội hóa?
Như vậy đã rõ, việc Bộ VH,TT&DL xây dựng thông tư quy định về cơ sở giám định cổ vật là hướng đi đúng. Song, giới nghiên cứu nhận định rằng một số nội dung trong dự thảo thông tư chưa phù hợp với thực tiễn. Dự thảo nêu rõ, điều kiện hoạt động của cơ sở giám định cổ vật gồm: Có tư cách pháp nhân, có chức năng hoạt động giám định cổ vật; có trụ sở và kho lưu trữ, bảo quản hiện vật trước và sau khi giám định; có trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu giám định; có quy trình chuyên môn và có nguồn cơ sở dữ liệu cần thiết để thực hiện hoạt động giám định cổ vật; có tổ chuyên gia giám định cổ vật, trong đó có ít nhất 3 cán bộ chuyên môn của cơ sở là thành viên của tổ chuyên gia đáp ứng các điều kiện: có trình độ đại học trở lên về các chuyên ngành bảo tàng, khảo cổ, hán nôm; đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở chuyên ngành đã học từ 5 năm trở lên và có đầy đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi…
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: "Theo quy định này thì ai cũng có thể thành lập cơ sở giám định cổ vật được. Nếu vậy trong tương lai sẽ có rất nhiều cơ sở giám định cổ vật ra đời". Chung quan điểm này, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ VH,TT&DL) nói: "Đúng là nhu cầu giám định cổ vật của chúng ta rất lớn, cơ sở giám định đang thiếu, nhưng nếu cho phép doanh nghiệp mua bán cổ vật thực hiện tư vấn giám định thì sẽ loạn trung tâm, loạn chuyên gia. Bởi vậy, cần một hệ thống tổ chức chính quy của Nhà nước". Tương tự, ông Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Ninh Bình cũng cho rằng: "Không phải là cái gì cũng xã hội hóa. Vấn đề giám định cổ vật thì tính trung thực, khách quan phải được đặt lên hàng đầu. Nếu đâu đâu cũng có thể giám định cổ vật thì thị trường này vốn đã rất phức tạp càng trở nên phức tạp hơn".
Với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực này trong nhiều năm, ông Nguyễn Đức Long đề xuất: Cơ sở giám định cổ vật sẽ nằm trong hội đồng khoa học của bảo tàng các tỉnh. Người chơi cổ vật nếu có nhu cầu, sẽ đăng ký với hội đồng khoa học của bảo tàng, sau đó hội đồng sẽ phối hợp với tổ thực hiện của Sở VH,TT&DL. Khi ấy, giấy giám định sẽ dùng ngay con dấu của bảo tàng, có tư cách pháp nhân, có uy tín. Còn ông Đào Phan Long cho hay: Mới đây, Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội đã bước một bước mạnh bạo, đó là thành lập Hội đồng tư vấn và giám định cổ vật nhằm phục vụ việc giám định cho những người có nhu cầu, trên tinh thần tự nguyện. Hội đồng này gồm 7 người, trong giới nghiên cứu lịch sử và chơi cổ vật, ai cũng biết. Hội đồng đã giám định cho hàng chục sưu tập tư nhân ở Hà Nội, Nam Định, Bình Định và Ninh Bình.
Việc cổ vật Việt vẫn chưa được thế giới tôn vinh đúng với giá trị thực, phần nào cũng là do sự thiếu chuyên nghiệp trong các hoạt động mua bán, sưu tầm, bảo tồn và giám định cổ vật. Đã đến lúc các cơ quan quản lý cũng như người chơi cần thay đổi "cách chơi" và những ý kiến đề xuất, đóng góp cho dự thảo thông tư vừa nêu trên là hướng mở thú vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.