(HNMO) - Nhằm hỗ trợ các đơn vị, cá nhân hiểu rõ hơn về những nội dung tại dự thảo Thông tư điều lệ trường tiểu học đang được tổ chức lấy ý kiến, ngày 11-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin bổ sung, làm rõ những điểm mới tại dự thảo. So với Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT ban hành ngày 30-12-2010 đang được áp dụng, dự thảo có nhiều điểm mới.
Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn với từng đối tượng giáo viên, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, giáo viên được trao quyền mới là “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường”.
Đáng chú ý, dự thảo có quy định giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục.
Thực hiện Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, dự thảo Thông tư cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước: Bước 1, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường; bước 2, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn; bước 3, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Cũng theo dự thảo Thông tư, trường tiểu học được tự chủ chuyên môn, tăng trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc. Thay vì chỉ thực hiện trách nhiệm “huy động trẻ đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tới trường…” như quy định hiện hành, dự thảo bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm trường tiểu học có trách nhiệm “thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn” của các trường tiểu học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung này có ý nghĩa xã hội quan trọng, nhất là đối với các khu vực đông dân cư, tránh tình trạng học sinh không được nhận vào học trường tại địa bàn mình cư trú.
Thời gian tổ chức góp ý cho dự thảo Thông tư điều lệ trường tiểu học kéo dài đến ngày 6-7-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.