(HNMO) - Khi phát hiện tiền giả, cần thu giữ và đóng dấu “tiền giả” lên 2 mặt của tờ tiền giả…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo lần thứ 3 Thông tư Quy định về xử lý tiền giả, nghi giả trong ngành ngân hàng.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Theo Dự thảo Thông tư này, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại và căn cứ vào thông báo của NHNN hoặc Bộ Công an về đặc điểm nhận biết tiền giả để kết luận.
Trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã được NHNN hoặc hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản, các đơn vị trên phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu “tiền giả” lên 2 mặt của tờ tiền giả, mỗi mặt đóng 1 lần và bấm lỗ trên tiền giả (mỗi cạnh chiều dài tờ tiền giả bấm 2 lỗ tròn cân đối, bằng dụng cụ bấm lỗ tài liệu dùng cho văn phòng).
Đối với tiền giả loại mới (là loại tiền giả chưa được NHNN hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản), các đơn vị trên lập biên bản, thu giữ mà không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả. Đồng thời, thông báo và gửi toàn bộ tiền giả loại mới trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện về NHNN chi nhánh trên địa bàn.
Đơn vị thu giữ tiền giả cũng phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả hoặc khi phát hiện tiền giả loại mới hoặc phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.