Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi đang được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận là ít đề cập đến những bất cập, trở ngại đối với doanh nghiệp và người dân.
Thậm chí, trong dự thảo vẫn còn những quy định hành chính vô lý còn được duy trì.
Điều này được làm rõ tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức diễn ra ngày 23-1.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ít đề cập đến bất cập, trở ngại với doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, vẫn còn những quy định hành chính vô lý còn được duy trì như lái xe hợp đồng phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh; trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở Giao thông Vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô các thông tin của chuyến đi...
“Tại sao lái xe phải có danh sách hành khách được đơn vị kinh doanh xác nhận? Nếu tôi thuê xe cho gia đình đi chơi thì phải gửi danh sách cho lái xe trước à? Rồi quy định trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin của chuyển đi. Sở GTVT Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe thì nhận những thông báo thế này có đọc được không?”, bà Phạm Chi Lan dẫn chứng.
Thậm chí, theo bà Lan, ngay tại các quy định mới hoặc sửa đổi như cho phép áp dụng hợp đồng điện tử, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, hợp đồng vận tải đã xuất hiện các quy định bất cập theo cách cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp. Chẳng hạn như hoạt động cung cấp ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử như Uber, Grab hoặc các hộ kinh doanh vận tải bị thắt chặt trong khi bảo hộ một số loại hình khác như doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải.
Mặt khác, cấm đoán hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược chủ trương Nhà nước trong việc khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ.
"Ngay bản thân từ "cho phép" áp dụng dụng đồng điện tử đã không phù hợp. Đây là quyền của người kinh doanh được phép ứng dụng công nghệ trong kinh doanh chứ không phải chờ Nhà nước cho phép. Chúng ta đang rất cần ứng dụng công nghệ trong kinh doanh nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ", bà Phạm Chi Lan nói.
Còn ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, Dự thảo quy định đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải cấp và sử dụng giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa là không cần thiết vì tất cả hàng hóa lưu thông trên đường khi xuất bến, xuất cảng đều phải có một vài loại giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vận chuyển.
“Quy định này tăng chi phí cho doanh nghiệp, các DN đối phó bằng cách ký khống nhiều giấy vận tải cho lái xe sử dụng”, ông Tiến nói.
Ông Lê Văn Tiến đề nghị bỏ quy định giấy phép kinh doanh vận tải có giá trị trong 7 năm, thay vào đó, khi doanh nghiệp đủ điều kiện thì cấp phép hoạt động, còn ngược lại thì thu hồi. Hay khi lái xe gây tai nạn, phải chờ giải quyết xong mới trả phương tiện, nên thay bằng việc nộp một khoản tiền nhất định, rồi trả phương tiện cho doanh nghiệp kinh doanh.
Các đại biểu tại hội thảo cũng nêu ý kiến, một số quy định trong Nghị định 86 hiện nay gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải cần được sửa đổi như: Quy định về chu kỳ kiểm định xe cơ giới là 24 tháng, thay vì 12 tháng như hiện nay; quy định thời hạn giấy phép vô tuyến điện là 24 tháng và giảm phí đăng ký xuống một nửa, tương đương với 10 triệu đồng. Về quy định khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đề nghị áp dụng chính thức 12 tháng 1 lần thay vì 6 tháng 1 lần như hiện nay.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, dự thảo Nghị định mới chưa cởi trói cho doanh nghiệp vận tải, không giải quyết được vấn đề hiện nay.
Vì vậy, dự thảo Nghị định 86 cần cách tiếp cận theo một tư duy mới, không thể đánh đồng việc nhiều xe gây tắc đường nên hạn chế số lượng xe. Kinh doanh phải cạnh tranh sòng phẳng với nhau, phải lấy cái mới làm cơ sở để bãi bỏ cái áo cũ chật hẹp và xoá bỏ những kìm hãm trong phương thức kinh doanh cũ, do áp đặt quy định pháp luật.
“Chúng ta không sửa đổi mà phải bỏ các quy định can thiệp sâu vào hoạt động kinh tế. Chúng ta đang lấy cái cũ làm cơ sở trong khi thực tế đã xuất hiện cái mới", ông Phan Đức Hiếu đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.