Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo mới nhất về quy hoạch chung Hà Nội

chinhphu.vn| 20/10/2010 11:20

Theo dự thảo mới nhất của Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội do Bộ Xây dựng soạn thảo, trụ sở các bộ, ngành xây mới sẽ được đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây. Trục Hồ Tây - Ba Vì vẫn được giữ nguyên.

Theo dự thảo mới nhất được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, hệ thống cơ quan công sở cấp Trung ương như các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ được xác định tại khu vực Ba Đình.


Các công sở cấp Trung ương được ở lại trong khu vực nội đô sẽ được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu làm việc. Các công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì - Mỹ Đình hoặc Tây Hồ Tây theo mô hình khu tập trung, liên cơ quan.

Công sở cấp thành phố gồm Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Trụ sở cơ quan thành phố theo mô hình hợp khối và xác định ở vị trí thích hợp tại các khu vực nội đô.

Ngoài ra, trong khu vực đô thị trung tâm, sẽ xây mới Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế tại Mễ Trì và Đông Anh, Trung tâm tài chính thương mại quốc tế tại khu vực Tây Hồ Tây; Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì trong chuỗi đô thị dọc vành đai 4.

Giữ nguyên trục Hồ Tây - Ba Vì

Theo dự thảo, định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ mở rộng, xây mới các tuyến đường kết nối giao thông, không gian giữa các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn hiện hữu với đô thị trung tâm gồm: Tây Thăng Long – Sơn Tây, đường 32, trục Hồ Tây – Ba Vì, Đại lộ Thăng Long, Hà Đông – Xuân Mai, Ngọc Hồi – Phú Xuyên.

Như vậy, trục Hồ Tây - Ba Vì vẫn được giữ nguyên trong quy hoạch. Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất này, Bộ Xây dựng không cho biết rõ, trục này sẽ chạy thẳng một mạch hay sẽ uốn cong theo kiến nghị mới đây nhất của Hà Nội.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cho rằng không cần thiết phải có trục Hồ Tây - Ba Vì vì trung tâm hành chính quốc gia không đặt tại Ba Vì nữa. Tuy nhiên ngay sau đó, Hà Nội đột ngột thay đổi quan điểm khi vẫn ủng hộ xây dựng trục đường trên nhưng gợi ý không nên chạy thẳng mà là trục cong theo địa hình ngoài vành đai 4.

Ngoài ra, theo dự thảo, cũng sẽ cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường vành đai. Cụ thể, vành đai 1 đoạn Cầu Giấy - Trần Khát Chân dài 10,2 km sẽ có quy mô 6 - 8 làn xe, một số đoạn cuối có thể xây dựng cầu cạn.

Vành đai 2 với tổng chiều dài khoảng 44 km có quy mô 10 làn xe, khuyến khích xây dựng hệ thống bãi đỗ ngầm hoặc cao tầng trong các khu vực xây dựng mới khi cải tạo trong nội đô.

Vành đai 3 có chiều dài khoảng 65 km, quy mô 10 - 12 làn xe, trong đó có 4 làn xe cao tốc đô thị trên cao đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì.

Vành đai 3,5 sẽ chạy dọc chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 với việc hoàn thiện đường 5 kéo dài từ cầu chui Đông Trù, Đông Anh đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và Mê Linh tạo thành tuyến giao thông đô thị xương sống cho các khu đô thị mới Mê Linh - Đông Anh, Long Biên - Gia Lâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo mới nhất về quy hoạch chung Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.