Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi): Nhiều điểm đột phá

Phương Hà| 24/05/2013 06:55

(HNM) - Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ - KHCN (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, thu hút sự quan tâm không chỉ của giới khoa học.

Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ nghiên cứu phát triển. Ảnh: Bá Hoạt


Tăng hiệu quả ứng dụng

Sau khi Luật KHCN được ban hành vào năm 2000, năng lực KHCN quốc gia được đánh giá là đã tăng đáng kể, đặc biệt là từ năm 2001, khi đầu tư từ ngân sách cho KHCN luôn bảo đảm mức 2%/năm. Khoản 1, Ðiều 49 Dự thảo Luật KHCN (sửa đổi) có quy định "Nhà nước bảo đảm chi cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ". Ngoài việc kế thừa những giá trị có tính thực tiễn của luật hiện hành, Dự thảo Luật KHCN sửa đổi đã xác định một số cơ chế để huy động nguồn đầu tư của xã hội, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, chính sách thu hút nguồn lực nước ngoài.

Mặt khác, phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án KHCN được nêu trong Dự thảo Luật KHCN sửa đổi cũng có những bước đổi mới đáng kể. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết: Trước đây, mọi người đều có quyền đề xuất các đề tài rồi các cơ quan quản lý phê duyệt và tổ chức thực hiện. Nhưng, khi đề tài hoàn thành thì không tìm được địa chỉ ứng dụng nên có nhiều đề tài nghiên cứu xong rồi để "ngăn kéo". Thời gian tới, quy trình tuyển chọn sẽ chặt chẽ hơn, mọi người đều có quyền đề xuất đề tài, dự án nhưng các cơ quan có thẩm quyền mới là người có quyền đề xuất đặt hàng. Bộ KHCN cũng như các bộ, ngành khác sẽ là người đặt hàng các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Ai đề xuất đề tài thì người đó phải tiếp nhận kết quả nghiên cứu và có trách nhiệm chuyển giao kết quả đó vào thực tế.

Dự thảo Luật phân cấp cho Bộ trưởng Bộ KHCN có thể thay mặt Nhà nước ký hợp đồng đặt hàng, thực hiện nhiệm vụ cấp Nhà nước và có trách nhiệm tiếp nhận kết quả, tổ chức việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Bộ KHCN được chủ động xác định nhiệm vụ KHCN cụ thể cho mỗi giai đoạn 5 năm và hằng năm, thay vì phải trình lên Thủ tướng Chính phủ như hiện nay.

Chủ động và đơn giản hóa

Về cơ chế tài chính, Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải khẳng định, Dự thảo Luật sửa đổi sẽ khắc phục cơ bản những tồn tại hiện nay, vừa bảo đảm kỷ luật tài chính, chống thất thoát, vừa tạo cơ chế phân bổ, sử dụng, kiểm soát việc sử dụng kinh phí phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN. Ví dụ như việc áp dụng cơ chế khoán chi, áp dụng cơ chế quỹ, cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KHCN. Với cơ chế này, các đề tài, dự án sẽ không phải đợi kinh phí quá lâu, đồng thời không phải quyết toán theo năm tài chính, có thể chủ động chuyển nguồn, đơn giản hóa các thủ tục hóa đơn, chứng từ. Đặc biệt, với Dự thảo lần này, lần đầu tiên cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng cho KHCN đã được đề cập, tức là đề tài nào có sản phẩm cuối cùng đúng như tiêu chí thì sẽ được quyết toán, không cần phải có quá nhiều hóa đơn chứng từ giải trình phức tạp như trước đây.

Trong Dự thảo, quyền của tổ chức, cá nhân được quy định cụ thể hơn, đặc biệt là đối với các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng. Luật sửa đổi cũng đề cập nội dung thu hút chuyên gia là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài.

Là đối tượng hướng tới của nhiều chính sách đổi mới, các doanh nghiệp đón nhận Dự thảo Luật KHCN sửa đổi với nhiều kỳ vọng. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) Ngô Đức Hoàng, Dự thảo Luật sửa đổi có tính đột phá cho KHCN nước nhà, như xây dựng cơ chế đặt hàng để tạo ra được sản phẩm cuối cùng có tính thương mại cao, cơ chế cấp phát kinh phí KHCN thông qua Quỹ phát triển KHCN… Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Trương Nam Hải cho rằng, Dự thảo đã đưa ra giải pháp đổi mới rất quan trọng về quan điểm quản lý tài chính của hoạt động KHCN với cơ chế khoán chi cho đến sản phẩm cuối cùng. Các doanh nghiệp khoa học cũng sẽ được hưởng ưu đãi như miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng... Các doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghệ cao. Những ưu thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn kết giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi): Nhiều điểm đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.