Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến quan trọng về chất lượng

Tiến Thành| 11/05/2023 17:25

(HNMO) - Chiều 11-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình.

Tiếp tục quy định bảng giá đất hằng năm

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, thu hồi, trưng dụng đất là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung theo hướng quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân, trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Dự thảo cũng quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư và bổ sung nguyên tắc không được cưỡng chế thu hồi nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp. Trong đó, người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở; giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Dự thảo Luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất. Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải bảo đảm giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động khác...

Đáng lưu ý, dự thảo Luật tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hằng năm để bảo đảm giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31-12-2025 để các địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Bồi thường bằng đất khác phải có giá trị tương đương với đất thu hồi

Báo cáo thẩm tra, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như dự thảo Luật, chưa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Trung ương Đảng khóa XIII về việc quy định điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi. Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi cần tính toán để điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư. Tiếp tục rà soát để quy định thống nhất theo hướng “bồi thường” bao gồm các khoản nhà nước phải chi trả để bù đắp thiệt hại cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất; “hỗ trợ” là những khoản mà nhà nước chi trả thêm để hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.

Với quy định về phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường chưa rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo, làm rõ, bổ sung đánh giá tác động cụ thể, nhất là tính khả thi của quy định. Trong đó đề nghị đánh giá tác động kinh tế - xã hội đến các đối tượng khác nhau nếu có sự thay đổi về phương pháp, cách thức định giá đất. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo Luật về nội dung các phương pháp định giá đất và trường hợp, nguyên tắc áp dụng phương pháp cụ thể để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về bảng giá đất, đề nghị quy định cụ thể trong Luật về việc xây dựng và áp dụng bảng giá đất, vì đây là cấu thành của cơ chế xác định giá đất...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thảo luận.

Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TƯ

Phát biểu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo Luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để bảo đảm đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện trong quá trình thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cần làm rõ khái niệm thế nào là thu hồi đất “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”, thế nào là thu hồi đất “phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng”. Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để bảo đảm tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.

Về mối quan hệ giữa dự thảo Luật Đất đai và dự thảo Luật Nhà ở vẫn còn một số điểm đang còn khác nhau, như về thu hồi đất, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, về thu tiền sử dụng đất cho nhà ở công vụ… Từ quan điểm đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên đề nghị, Chính phủ rà soát rà soát, bổ sung thêm và sửa luôn ngay trong đợt này để quy trình làm luật và việc áp dụng pháp luật sẽ thuận lợi hơn.

Cùng quan tâm vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nội dung nào có thể sửa được ngay trong Luật Đất đai thì sửa luôn; vấn đề nào liên quan đến nội dung của luật, với số lượng nhiều thì cần dùng một luật sửa nhiều luật. Khi đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thông qua cùng thời điểm với Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm đồng bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua rà soát nhận thấy, kết quả lấy ý kiến nhân dân có quy mô và thực hiện tốt, được nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến. "Người dân quan tâm rất nhiều đến những vấn đề có liên quan sát sườn đến đời sống; do đó nên có hình thức báo cáo lại với nhân dân về việc lấy ý kiến và tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nói.

Qua xem xét hồ sơ cho thấy, so với dự thảo trước đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, dự thảo mới nhất đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế và có tính khả thi cao hơn và từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hồ sơ này đã đủ điều kiện để tiếp tục trình với Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm sắp tới. Chủ tịch Quốc hội đề phải tiếp tục rà soát để thể chế hóa một cách đầy đủ và quán triệt đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TƯ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Kết luận nội dung thảo luận, nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng, là trọng tâm công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của nhân dân, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến quan trọng về chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.