Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo luật dân sự: Bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người dân

Theo VOV| 26/04/2015 20:30

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định:

Bộ luật Dân sự là bộ luật quan trọng được gọi là luật nền của hệ thống pháp luật, điều chỉnh nhiều mặt quan hệ xã hội có liên quan mật thiết đến đời sống, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Xuất phát từ tầm quan trọng của bộ luật này, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết và Chính phủ đã ban hành Kế hoạch lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo bộ luật này trong thời hạn 3 tháng.

Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trực tiếp trao đối với người dân xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường


PV: Một độc giả cao tuổi gửi thư về chuyên mục cho biết: Tôi được biết việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã kết thúc vào ngày 5/4. Không rõ tình hình các cơ quan và người dân tham gia vào hoạt động này thế nào, nhưng tôi cũng là người có ý kiến trực tiếp đối với Dự thảo sửa đổi lần này, không biết các ý kiến đó có tới được Bộ trưởng hay không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tính đến ngày 22/4/2015, Bộ Tư pháp đã nhận được khoảng 6,5 triệu lượt ý kiến của người dân, được tổng hợp trong báo cáo của 27 Bộ, ngành tổ chức ở Trung ương, 44 Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố, và hàng ngàn ý kiến độc lập gửi về Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp hoặc được tổng hợp các tọa đàm, hội thảo diễn ra ở các cấp, các ngành. Còn độc giả hỏi ý kiến có tới được Bộ trưởng hay không thì tôi xin phép không trả lời chính xác vì không biết ý kiến đó cụ thể như thế nào.

Tôi cũng xin khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều yêu cầu phải tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan trung thực ý kiến của nhân dân, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật hoặc giải trình với nhân dân. Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu này.

Hiện nay, báo cáo tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến của nhân dân đối với Bộ luật dân sự sửa đổi đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, mọi người có thể theo dõi ý kiến của mình đã đến với Bộ Tư pháp hay chưa, nếu chưa thì xin phản ánh tới Bộ Tư pháp hoặc tới chuyên mục dân hỏi Bộ trưởng trả lời để chúng tôi báo cáo thêm.

PV: Đa số ý kiến của người dân tập trung vào vấn đề gì trong 10 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến lần này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Điều mà người dân quan tâm là điểm mới của của Dự thảo luật về trách nhiệm của cơ qua có thẩm quyền trong bảo vệ quyền dân sự. Thực ra, theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành thì tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Bộ luật cũng quy định về việc không có pháp luật thì được áp dụng tập quán, không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật lại chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền phải thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự của người dân, cũng như quy định rõ trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật thì áp dụng tập quán hoặc áp dụng quy định tương tự của pháp luật như thế nào.

Để khắc phục bất cập này của Bộ luật dân sự đồng thời cụ thể hóa tinh thần và quy định mới của Hiến pháp năm 2013, “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý”, thì nay Dự thảo Bộ luật bổ sung quy định, cơ quan khác có thẩm quyền không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng.

Trong trường hợp này trước hết ưu tiên sự thỏa thuận của các chủ thể, nếu chủ thể không thỏa thuận được thì áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng, án lệ có thể được áp dụng xem xét giải quyết.

PV: Nhiều độc giả quan tâm đến vấn đề trong ngành tòa án có hỏi: Tôi được biết hiện nay việc khởi kiện của người dân được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (còn gọi là thời hiệu khởi kiện) sau khoảng thời gian đó, người dân sẽ không còn quyền khởi kiện của mình. Quy định như vậy vô hình chung đã hạn chế quyền lợi của người dân. Không rõ Dự thảo luật lần này có hướng nào để khắc phục vấn đề này hay không thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Quy định như vậy đúng là thuận lợi cho Tòa án, Nhà nước, vô hình chung đã tạo ra cơ chế để tòa án từ chối giải quyết vụ việc, việc dân sự của người dân, chưa giúp giải quyết được một cách triệt để và dứt điểm các tranh chấp phát sinh.

Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo luật không quy định về thời hiệu khởi kiện, theo đó mọi trường hợp khi cá nhân, pháp nhân có yêu cầu về giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án phải thụ lý, giải quyết. Tuy nhiên cá nhân, pháp nhân đó có được hưởng quyền hay được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hay không thì Tòa án còn phải xác định nhiều điều kiện pháp lý khác nhau trong đó có quy định về thời hạn được hưởng quyền hoặc được miễn trừ nghĩa vụ.

Tôi nghĩ rằng nếu quyền lợi của người dân mà Nhà nước không bảo vệ được thì các chủ thể có thể sử dụng những biện pháp hành xử ngoài vòng pháp luật để xử lý nội bộ sẽ gây mất trật tự, an toàn xã hội. Do đó Dự thảo luật hướng tới các mục tiêu bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người dân, đảm bảo công bằng xã hội./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo luật dân sự: Bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.