Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Quá sơ sài

H.Vân| 09/06/2010 17:49

(HNMO) – Sơ sài, lủng củng, thiếu tính khả thi – Đó là nhận xét của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 9-6 về Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu Vũ Hồng Anh nhận xét, dự án luật có nhiều điểm vênh, phạm vi điều chỉnh chưa rõ ràng, đầy đủ nên rất khó đi vào cuộc sống.


Tại đoàn Hà Nội, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành dự án luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi đây là một dự luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống của mọi người và vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng hiện cũng đang là vấn đề nóng bỏng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, dự luật được trình Quốc hội xem xét lần này lại chưa thể hiện được những kỳ vọng đó.

Đại biểu Vũ Hồng Anh nhận xét, dự án luật có nhiều điểm vênh, phạm vi điều chỉnh chưa rõ ràng, đầy đủ nên rất khó đi vào cuộc sống.

“Dự luật này cần phải được làm lại, tiếp cận theo cách khác mới có tính khả thi”, đại biểu Hồng Anh nói.

Chung quan điểm, đại biểu Đặng Văn Khanh cho rằng, dự án luật này được chuẩn bị quá sơ sài, chưa có độ sâu cần thiết của một dự án luật.

“Ngay phạm vi điều chỉnh của luật cũng được xác định chưa đầy đủ. Tôi cho rằng cần phải bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng; quyền của người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh”, đại biểu Khanh đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa còn đánh giá, đây có lẽ là dự án luật có chất lượng kém nhất từ trước đến nay.

“Các quy định không chặt chẽ, xuất phát từ phạm vi điều chỉnh không rõ ràng. Từ ngữ khó hiểu, bố cục lủng củng… Luật nên gọn lại, quy định quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh và người tiêu dùng”, đại biểu Hoa nói.

Đại biểu Hoa đề nghị phải soạn lại dự án luật này và phải tham khảo các luật khác có liên quan để đưa ra được các quy định thật chặt chẽ.

Đi vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Chi quan tâm đến những quy định liên quan đến việc quấy rối người tiêu dùng. Ông đơn cử một ví dụ thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, người tiêu dùng đi chợ sớm mua hàng, nếu trả giá rẻ khi người bán “hét” giá cao thì thế nào cũng bị “ăn chửi”. Hay đang 12 giờ đêm mà người tiêu dùng phải nghe những tiếng rao bán quà vặt ngoài đường thì đấy có phải là một kiểu quấy rối người tiêu dùng?

Đại biểu Chi cũng cho rằng, dự luật đưa ra nhiều quy định rất vô lý, không thể đi vào cuộc sống.



Rất thẳng thắn, đại biểu Chu Sơn Hà nhận xét: “Dự án luật này đưa ra cho đại biểu dự thảo hộ, chứ không phải đưa ra để lấy ý kiến”.

Theo đại biểu Hà, dự luật này liên quan đến nhiều văn bản luật khác như: Luật trọng tài thương mại, sở hữu trí tuệ, ATVSTP, xuất bản, kinh doanh bảo hiểm, Luật tố tụng hành chính, Luật khiếu nại, tố cáo… Do đó, rất cần rà soát để không chồng lấn.

Một vấn đề được đại biểu Hà quan tâm đó là vai trò, vị trí của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định trong luật.

“Hội này cũng không được quy định rõ trong luật về việc tổ chức thành lập, nguyên tắc hoạt động… chỉ nói là tổ chức xã hội”, đại biểu Hà nhận xét.

Cùng quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị, quy định liên quan đến Hội bảo vệ người tiêu dùng cần phải thiết chế lại.

“Chúng ta không thể dùng bộ máy hành chính để giải quyết những vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Luật nên cho phép Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một số quyền lực nhất định và tổ chức này nên là tổ chức xã hội, hoạt động độc lập, không ăn kinh phí Nhà nước”, đại biểu Hường nói.

Cũng theo đại biểu Hường, đáng lý ra Luật bảo vệ người tiêu dùng phải được xây dựng trên quan điểm bảo vệ người mua, xây dựng trên cơ sở người tiêu dùng là người yếu thế chứ không phải căn cứ chủ yếu vào việc bảo vệ người tiêu dùng bằng cách quy định trách nhiệm của người sản xuất hàng hóa.

“Ngoài sản xuất hàng hóa ra còn rất nhiều những hoạt động khác hiện đang rất phát triển như phân phối sản phẩm, hàng hóa, bán hàng qua điện thoại, truyền hình… Muốn để luật có tính thực tiễn thì cần phải có các điều khoản tương ứng với những loại hình giao dịch hiện có và sẽ có trên cơ sở dự báo và tham khảo các nước, có như vậy quyền lợi của người tiêu dùng mới được đảm bảo”, đại biểu Hường đề xuất.

Đại biểu Hường còn đề nghị, phải bảo vệ người tiêu dùng dưới góc độ sử dụng dịch vụ như tài chính ngân hàng. Dự án luật đề cập đến mảng này rất nhẹ và còn thiếu nhiều thiết chế.

“Nếu tổ chức tư vấn sai gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì sẽ xử lý như thế nào?”, đại biểu Hường đặt vấn đề.


NHỮNG NỘI DUNG MỚI QUAN TRỌNG TRONG DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

1. Khái niệm người tiêu dùng
Khái niệm người tiêu dùng được sửa đổi theo hướng là cá nhân và tổ chức mua và sử dụng hàng hóa không nhằm mục đích bán lại. Như vậy người tiêu dùng không chỉ hạn chế ở những cá nhân mua và sử dụng hàng hóa vì mục đích tiêu dùng.

2. Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân (Điều 4)

3. Các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trước khi giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh (Chương II)

4. Các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là quy định về điều kiện giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu (Chương III).

5. Quy định về trách nhiệm bảo hành và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra (Chương IV).

6. Quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp người tiêu dùng: thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính, giải quyết tranh chấp tại Tòa án theo thủ tục rút gọn và quyền khởi kiện của Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

7. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng: bổ sung quyền khởi kiện vì lợi ích người tiêu dùng và quyền được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

8. Bổ sung một số chế tài xử lý vi phạm hành chính: như đưa vào danh sách công khai các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, buộc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh ngành nghề có hành vi vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Quá sơ sài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.