(HNM) - Thực tế triển khai chặt hạ, tháo dỡ toàn bộ các cột điện hiện không còn sử dụng những ngày qua cho thấy, dường như đây chỉ là việc của ngành GTVT, trong khi
Theo thống kê của Sở GTVT, chỉ riêng 5 quận gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai đã tồn tại khoảng 800 cột điện bỏ không, trong đó có cả những cột tròn, cột vuông và cột chữ A bị gãy chân… Đáng chú ý là 19 cột điện nằm dưới đường Tân Mai, Trương Định (quận Hoàng Mai) gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và 165 cột cần phải khẩn trương di chuyển sang cột liền kề và tháo dỡ (gồm 36 cột ở quận Hoàng Mai, 16 cột tại quận Ba Đình, 31 cột tại quận Hoàn Kiếm, 64 cột tại quận Đống Đa, 18 cột tại quận Hai Bà Trưng)… Không ít cột này đã hết tác dụng từ năm 2010 khi Hà Nội triển khai hạ ngầm các đường dây đi nổi phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hoặc sau khi cải tạo, mở rộng đường, các đơn vị điện lực, chiếu sáng, thông tin viễn thông lắp đặt các cột khác mà không tháo dỡ, chặt hạ cột cũ. Tại các quận khác, đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Tháo dỡ cột điện không còn sử dụng trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Tuấn Khải |
Từ ngày 1-6, các đơn vị của Sở GTVT bắt đầu tổ chức các đợt chặt hạ, tháo dỡ các cột điện bỏ không, không còn sử dụng trên các tuyến phố chính, tuyến phố văn minh đô thị. Đi theo các tổ, đội tham gia khảo sát, chặt hạ cột điện mới thấy, đây là công việc rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức. Nếu không có sự nỗ lực của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ và sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, vô số những cây cột điện đang sừng sững và vô dụng kia sẽ còn tồn tại rất lâu nữa, trở thành những "cái gai" của đô thị. Việc chặt hạ cột điện chỉ có thể bắt đầu từ lúc 22h và tạm kết thúc vào rạng sáng.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó phòng Kế hoạch Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Hà Nội cho biết, thời điểm đó đường ít người qua lại nên không ảnh hưởng đến giao thông và bảo đảm an toàn cho người dân. Theo chỉ đạo của thành phố và Sở GTVT, đơn vị khảo sát các cột trên từng tuyến phố sau đó tập trung máy móc, nhân lực xử lý dứt điểm. Trong những ngày đầu tháng 6-2014, công ty đã tập trung xử lý cột điện thừa trên các tuyến phố Trần Phú - Điện Biên Phủ và khu vực lân cận thuộc quận Ba Đình. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc xử lý các cột điện đã hoàn toàn bỏ không cơ bản không phức tạp, nhưng do nhiều cột điện liền kề với tường của các đơn vị, trên đó vẫn còn một ít dây điện, thông tin liên lạc nên không thể chặt hạ ngay. Chúng tôi đang kiến nghị các cơ quan chức năng (đặc biệt là các ngành cung cấp dịch vụ viễn thông, điện lực) sớm xử lý nốt các đường dây này để tổ chức chặt hạ cột theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một số cán bộ các đội chặt hạ cột bức xúc cho biết, trước đây mỗi khi anh em trong quá trình thi công, cải tạo đường do sơ ý làm đứt dù chỉ một sợi dây điện, điện thoại, lập tức có người của các đơn vị điện lực, viễn thông đến lập biên bản yêu cầu phải khắc phục. Nay thực hiện chủ trương của thành phố, chúng tôi đã nhiều lần mời các đơn vị cung cấp dịch vụ nói trên đến để cùng tham gia xử lý. Tuy nhiên, rất ít khi đại diện các cơ quan, đơn vị này có mặt. Thậm chí, họ còn chối bỏ trách nhiệm.
Theo ghi nhận của phóng viên trong các buổi đi chặt cột, chỉ có cán bộ của Sở GTVT, Ban QLDA Duy tu hạ tầng giao thông và CBCNV các công ty trực tiếp đảm trách nhiệm vụ là có mặt tại hiện trường. Nhiệm vụ mà thành phố đã giao cho các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm tạo dựng cho Thủ đô một diện mạo mới trong "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" là rất rõ ràng. Song, với sự phối hợp thiếu chặt chẽ, thậm chí chối bỏ trách nhiệm của nhiều đơn vị khiến việc chặt hạ, tháo dỡ những cây cột điện thừa này sẽ còn rất vất vả, khó khăn và sẽ vẫn là những "cái gai" trong lòng đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.