(HNM) - Chuyển đổi số đang là xu thế không thể đảo ngược, có tính toàn cầu và lan tỏa ở mỗi quốc gia. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Chúng ta đã, đang hoàn thiện và khai thác hiệu quả hệ thống dữ liệu để tạo giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cơ sở dữ liệu được phân thành 3 loại, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ một hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước. Quá trình chuyển đổi số, hệ thống dữ liệu có vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được tạo lập, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Riêng với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện cơ bản được hoàn thiện và bảo đảm cập nhật “đúng, đủ, sạch, sống” một cách thường xuyên từ cơ sở. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 58 địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước; kết nối và chia sẻ thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư với Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử cho công dân…
Phải khẳng định, việc xây dựng, tạo lập dữ liệu và tận dụng dữ liệu đã bảo đảm đồng bộ phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng ứng dụng về công dân số, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả. Nổi bật là dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, chúng ta đã thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt qua nền tảng số của Bưu điện Việt Nam được đẩy mạnh, hiện đã có 61/63 địa phương triển khai chi trả các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và 56/63 địa phương triển khai chi trả cho đối tượng người có công với cách mạng… Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu quốc gia đã góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Mặc dù đã có những bước phát triển đột phá nhưng thực tế, hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để sử dụng hiệu quả hơn nữa. Thực tế hiện nay, nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu nên rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, không đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng, còn tồn tại lỗ hổng bảo mật cần khắc phục… Những yếu kém này dẫn đến việc số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hiệu quả, thiếu tính đồng bộ…
Trong kỷ nguyên 4.0, việc bổ sung, hoàn thiện và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả, an toàn, có trách nhiệm là yêu cầu đang đặt ra với các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ năm của Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến…; đồng thời, quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số”.
Như vậy, việc căn bản và “gốc rễ” chính là tạo lập và khai thác, sử dụng dữ liệu để tạo ra giá trị mới cho xã hội, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cần thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu nói chung. Cụ thể hơn là tạo lập dữ liệu phải gắn với bảo vệ, duy trì, nuôi sống dữ liệu. Các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt coi trọng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong kỷ nguyên số. Do đó, cùng với từng bước hoàn thiện dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, các bộ, ngành, địa phương cần chung tay bảo vệ hệ thống dữ liệu, đồng thời đẩy mạnh liên thông, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên quý giá này vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.