Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch võ thuật Việt Nam: Vẫn còn mờ nhạt

Lâm Vũ| 26/09/2015 08:47

(HNM) - Võ thuật cổ truyền Việt Nam có lịch sử lâu đời, xét về độ hấp dẫn không thua kém bất kỳ môn võ nào trên thế giới.


Nhiều lợi thế

Điểm mạnh của võ thuật Việt Nam chính là nguồn gốc hình thành lâu đời, cộng với sự phát triển đa dạng, phong phú của nhiều môn phái. Trong đó, Thủ đô Hà Nội nổi lên như một điểm đến thích hợp cho loại hình du lịch võ thuật do quy tụ nhiều võ đường tên tuổi. Có thể kể đến như: Võ đường Y võ Thiên Phúc (quận Tây Hồ), võ đường Võ Lâm Phật Gia (đền Hai Bà Trưng), võ đường Nam Hồng Sơn Khắc Trịnh (quận Thanh Xuân)... Các huyện, thị xã ngoại thành có Trường Phổ thông võ thuật Bảo Long (thị xã Sơn Tây), võ đường Bách Linh phái Thiên môn đạo (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa), đặc biệt, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) còn là cái nôi của môn võ Vovinam. Tại các tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế cũng có nhiều võ đường theo đặc trưng phái võ của các vùng, miền này.

Võ thuật Việt Nam có nhiều môn phái có lịch sử lâu đời nhưng du lịch võ thuật chưa được quan tâm. Ảnh: Nhật Nam


Tiềm năng lớn là vậy nhưng hiện nay, du lịch võ thuật vẫn chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Số lượng khách biết thông tin và có nhu cầu tham gia tour du lịch võ thuật không nhiều. Còn nhớ, dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Vietrantour cho ra mắt tour du lịch võ thuật với các điểm dừng chân nổi tiếng là Y võ Thiên Phúc, võ đường Bảo Long và đất tổ Vovinam Hữu Bằng - Thạch Thất. Tham gia tour, khách tham quan được tìm hiểu sâu về võ cổ truyền, chứng kiến những màn biểu diễn như: Quyền tay không, múa đao, khinh công trên mặt nước, bẻ cong thanh sắt bằng sức mạnh của mắt… Nhưng tour cũng không duy trì được lâu do quá vắng khách.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Fiditour, lý do khiến du lịch võ thuật Việt Nam chưa phát triển là vì hầu hết các võ đường tại nước ta chưa được đầu tư tốt về cơ sở vật chất (võ đường, sân tập, nơi cư ngụ dài ngày cho môn sinh, dịch vụ tiện ích kèm theo…); số lượng võ đường tự phát khá nhiều và không có bộ giáo trình võ thuật chính quy... Bên cạnh đó, các trung tâm võ thuật có uy tín hiện chưa có kế hoạch xúc tiến, liên kết với các công ty lữ hành trên cả nước để khai thác loại hình du lịch trên. Có thể thấy điều này qua Y Phúc và Bảo Long, hai võ đường được coi là tương đối chuyên nghiệp trong việc tổ chức du lịch. Khá nhiều đoàn khách quốc tế đến đây tham quan, tìm hiểu và ở lại chữa bệnh hay học tập một thời gian. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở hai võ đường này không đủ để có thể tiếp đón khách du lịch một cách chu đáo chứ chưa nói đến việc thu hút hay giữ chân du khách.

Bài học từ các nước

Cũng như Việt Nam, thế nhưng các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đã phát triển du lịch võ thuật từ vài chục năm trước và đưa võ thuật trở thành biểu tượng của ngành Du lịch. Chính quyền các quốc gia này rất nhạy bén, họ không chỉ đầu tư quy mô cho võ đường, mà còn phát triển các dịch vụ kèm theo. Có thể kể đến Hồng Kông (Trung Quốc) với việc "phủ sóng" hình ảnh Lý Tiểu Long ở khắp các bảo tàng, quảng trường, rạp chiếu phim, khu vui chơi; Thái Lan tổ chức thường xuyên các show đấu Muay hằng đêm kết hợp cùng ngắm cảnh và ăn tối dành cho khách xem thi đấu; hay Nhật Bản tạo điều kiện cho du khách "hóa thân" thành các sumo, đấu sĩ karate, aikido, kendo… để chụp hình lưu niệm tại các võ đường, tổ chức các lớp thi lên "đai" cho du khách với chứng chỉ có hiệu lực trên toàn thế giới… Trung Quốc cũng có những chiến lược để phát triển du lịch võ thuật đáng khâm phục. Từ năm 1980, Chính phủ nước này đã đầu tư hàng triệu USD để trùng tu Thiếu Lâm Tự. Năm 1988, chùa mới được mở cửa đón du khách và đến nay, hằng năm ngôi chùa thu hút khoảng một triệu du khách. Xung quanh chùa, có đến 83 "lò" đào tạo võ Thiếu Lâm với khoảng 40.000 võ sinh, trong đó có nhiều võ sinh là người nước ngoài. Các tour du lịch học võ của chùa được phổ biến trên mạng với đầy đủ thông tin thời gian học, học với ai, giá bao nhiêu…

Võ sư người Pháp Patrick Levet, người đã có 20 năm truyền bá môn Vovinam ở hơn 10 nước trên thế giới cho biết, hiện nay, nhu cầu của khoảng 20.000 môn sinh Vovinam tại 20 quốc gia trên thế giới là ít nhất một lần được đến Việt Nam để thăm và tìm hiểu tận nguồn môn võ mà mình đang theo học, và đây là một yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch võ thuật cũng như quảng bá hình ảnh đất nước.

Thời gian qua, Bộ VH,TT&DL đã có nhiều hỗ trợ tích cực trong việc quảng bá du lịch võ thuật. Trong đó, có những nỗ lực đưa khách tham dự các tour võ thuật ngắn ngày tại Hà Nội, Bình Định. Đặc biệt, festival Võ thuật Bình Định tổ chức thường niên 2 năm một lần là kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành Du lịch Việt Nam cần nhiều giải pháp đồng bộ, quy mô và hiệu quả nếu muốn đưa du lịch võ thuật trở thành một trong các loại hình du lịch quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các võ đường, võ xứ cần được quan tâm đúng mức để du khách đến tham quan không chỉ biết thêm về các môn phái võ cổ truyền Việt Nam mà còn có thể cư trú lâu dài nếu có nhu cầu. Không chỉ vậy, võ thuật và y thuật khi kết hợp cùng nhau sẽ rất thu hút những du khách có mong muốn chữa trị bệnh theo cách Đông y.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch võ thuật Việt Nam: Vẫn còn mờ nhạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.