(HNM) - Các địa điểm du lịch trống vắng, thưa thớt khách; nhiều tàu du lịch quốc tế bị từ chối cập cảng; hàng loạt nhà hàng, khách sạn treo biển thông báo tạm ngừng kinh doanh; các sự kiện văn hóa, xã hội, thể thao trên khắp thế giới bị hủy bỏ; khuyến cáo hạn chế đi lại liên tục được đưa ra…
Đó là bức tranh ảm đạm về ngành Du lịch toàn cầu trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, ngành Du lịch đang ở giai đoạn cam go nhất, có thể tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Những tác động gần như ngay lập tức đối với ngành công nghiệp không khói đến từ sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ước tính có khoảng 200 triệu lượt khách Trung Quốc du lịch nước ngoài hằng năm, đồng thời đây cũng là đối tượng khách chi tiêu hàng đầu thế giới với khoảng 277 tỷ USD/năm.
Số liệu do Hội đồng Lữ hành và du lịch thế giới (WTTC) phối hợp cùng Công ty Nghiên cứu Oxford Economics tính toán sơ bộ cho thấy, dịch bệnh sẽ khiến du lịch toàn cầu thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD do giảm chi tiêu từ du khách Trung Quốc. Chính quyền nước này đã kêu gọi người dân hoãn các chuyến du lịch nước ngoài nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Những nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn là những nơi phụ thuộc nhiều vào nguồn khách từ Trung Quốc đại lục, như các vùng lãnh thổ Hồng Kông và Macao (Trung Quốc), Campuchia, Philippines, Thái Lan...
Tính toán của WTTC và Oxford Economics đưa ra dựa trên kinh nghiệm về các cuộc khủng hoảng trước đó như Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) hay dịch cúm H1N1 (còn gọi là cúm mùa) và dựa trên những thiệt hại do số lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm trong những tuần gần đây. Nhưng đây mới chỉ là kịch bản khả quan nhất với giả định lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài giảm 7%. Trên thực tế, mức thiệt hại có thể tăng gấp đôi là 49 tỷ USD nếu dịch Covid-19 kéo dài và thậm chí đã có dự đoán rằng ngành Du lịch toàn cầu sẽ mất đi 80 tỷ USD lợi nhuận. Phải mất ít nhất một năm, ngành Du lịch mới có thể phục hồi sau những tác động to lớn của dịch bệnh.
Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực có thể xuất phát từ việc sụt giảm lượng du khách từ các khu vực khác do cảm giác e ngại rủi ro, nhất là tại các quốc gia ghi nhận thêm trường hợp nhiễm và tử vong do dịch bệnh. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã giảm đáng kể do dịch Covid-19. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giao thông hàng không toàn cầu ước tính giảm 4,7% trong năm nay do sụt giảm lượng du khách. Trong khi đó, tỷ lệ đặt phòng khách sạn cũng đã giảm 11% kể từ khi dịch bệnh bùng phát và khiến ngành công nghiệp không khói của thế giới thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD.
Để hạn chế tác động của dịch bệnh, nhiều quốc gia đã nhanh chóng đưa ra một số biện pháp ứng phó nhằm hỗ trợ ngành Du lịch vượt qua giai đoạn cam go. Chương trình vốn vay ưu đãi và tạm hoãn đóng thuế thu nhập trong 6 tháng dành cho các công ty lữ hành bị tác động bởi dịch bệnh đã được Chính phủ Thái Lan thông qua. Đồng thời Chính phủ Thái Lan cũng cân nhắc các biện pháp bổ sung nhằm kích thích du lịch nội địa và chuyển hướng sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc như: ASEAN, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, Mỹ và Mexico. Còn tại Hàn Quốc, các khách sạn, nhà nghỉ sẽ được miễn giảm thuế tài sản, trong khi Chính phủ nước này lên kế hoạch hỗ trợ vốn khẩn cấp cho các hãng hàng không giá rẻ…
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNWTO đã ra tuyên bố chung, khẳng định sự hợp tác trong việc hướng dẫn ngành Du lịch trước dịch Covid-19. Trong đó, ngành Du lịch cam kết đặt tiêu chí an toàn cho người dân lên hàng đầu, tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm lĩnh vực này có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch Covid-19. Đó cũng là cách để ngành Du lịch toàn cầu thoát khỏi cơn lao đao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.