Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch thiền: Đầu tư thấp, hiệu quả cao

Vũ Hoa| 19/09/2017 19:15

(HNMO)- Du lịch thiền kết hợp nghỉ dưỡng, yoga không còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng hầu như chưa được chú trọng. Tận dụng tiềm năng vốn có nhằm khai thác loại hình du lịch đang hấp dẫn đông đảo du khách này sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ và đem lại hiệu quả cao.

Đầu tư ít, hiệu quả lớn

Khái niệm du lịch thiền bắt đầu được biết đến rộng rãi từ năm 2002, sau khi World Cup được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong thời gian diễn ra giải bóng đá lớn nhất hành tinh này, chính quyền Seoul kêu gọi các nơi cung cấp chỗ ở cho du khách và được nhiều nơi, trong đó có chùa Mihwangsa (cách thành phố Seoul khoảng 300km về phía Tây Nam) hưởng ứng.


Từ đó, xu hướng “lưu trú ở đền, chùa” (templestay) được phát triển rộng rãi ở Hàn Quốc. Giờ đây, mỗi ngày tại chùa Mihwangsa luôn có hàng chục du khách Hàn Quốc và khách quốc tế lưu trú.

Sau những buổi tịnh tâm, du khách có thể đi ngoạn cảnh, tìm hiểu văn hóa và thưởng thức trà, chiêm ngưỡng các kiến trúc tôn giáo hay tham gia hoạt động công quả ở chùa, đàm đạo cùng các nhà sư... Ngoài việc cân bằng lại đời sống tinh thần, tham gia chương trình này du khách còn có dịp mở rộng tầm nhìn về khía cạnh văn hóa của nước sở tại.

Trong mười năm sau đó, hơn 2 triệu lượt du khách đã lưu trú tại hàng trăm đền chùa ở Hàn Quốc với hơn 10% là du khách nước ngoài. Từ năm 2004 đến nay, chính quyền Hàn Quốc đã dành khoảng 99 triệu USD để phát triển chương trình “templestay” nhằm quảng bá văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

Càng ngày, xu hướng du lịch kết hợp thực tập thiền định càng lan rộng tại nhiều nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á mặc dù giá của các tour này cao hơn đa số các chương trình thông thường.

Đặc biệt, tại các quốc gia công nghiệp phát triển, ngày càng có nhiều người coi việc tham gia vào các loại hình nghệ thuật mang tính thiền, hay các chương trình du lịch thiền là những hoạt động thiết yếu.

Số liệu thống kê của Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản cho thấy, hằng năm, nhờ vào việc tổ chức cho khách du lịch tham gia vào các chương trình du lịch thiền, ngành Du lịch Nhật Bản đã thu tới 30 tỉ USD. Tiếp sau Nhật Bản, giới du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đã bắt tay vào tổ chức du lịch thiền và đạt được nhiều thành công.

Hiện nay, Trung Quốc nổi tiếng với chương trình du lịch tham quan, tập võ, dưỡng sinh và tìm hiểu về cuộc sống của các thiền sư Thiếu Lâm. Thái Lan thì thu hút khách du lịch thiền thông qua chương trình Thailand Zen tour.

Tiềm năng lớn

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 120 thiền viện, trong đó có những cái tên đã khá quen thuộc trong các chương trình du lịch như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bà Đá, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Bích Động (Ninh Bình), Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu (Thừa Thiên - Huế)…

Một địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch là Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kế hoạch thành lập khu du lịch văn hóa thiền tại Thiền viện Chơn Không với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 30 tỉ đồng.

Theo đó, khu du lịch văn hóa thiền này sẽ có vườn đá Phương Đông, khu thiền Yoga, khu biểu diễn thư pháp, khu giới thiệu và nấu các món ăn chay, khu vườn thuốc Nam chữa bệnh miễn phí, khu xây dựng tượng đức Phật, bảo tàng Phật giáo, khu trà đạo.

Là nước có bề dày văn hóa Phật giáo lâu đời, hiện nay nhiều du khách Việt Nam, đặc biệt là cư dân của các thành phố lớn có nhu cầu tham gia vào các hoạt động du lịch mang tính thiền.

Nếu chương trình du lịch thông thường là dẫn du khách tham quan chùa thì du lịch thiền phải giúp du khách quan sát và tham gia được vào cuộc sống sinh hoạt của các thiền sư, thưởng thức và chiêm ngưỡng những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật thiền như cắm hoa, trà đạo, bonsai, ẩm thực...

Điều này gợi mở một hướng mới giúp du lịch Việt Nam có thể làm tăng tính hấp dẫn của các điểm đến, mở rộng các hoạt động nhằm phục vụ phát triển du lịch thiền, tiến tới xây dựng các chương trình du lịch chuyên biệt mang tính thiền.

Nhiều cái khó

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Công ty Fiditour nhận định: “Các tour được thiết kế theo yêu cầu của nhóm khách chừng 4-10 người. Khách sẽ tự chọn điểm đến yên tĩnh. Chương trình tour mang tính thư giãn, phục hồi năng lượng cho du khách. Trước đây, tour này chủ yếu phục vụ khách nước ngoài nhưng hiện nay đã hút khách Việt. Tỷ lệ khách đi tour này tăng khá ổn định từ 10-12%/năm”.


Là một trong những công ty tiên phong trong việc khai thác những sản phẩm du lịch mới, nghỉ dưỡng kết hợp với thiền nhằm giúp du khách duy trì sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, cái khó khi làm sản phẩm tour thiền là người xây dựng tour thiền cũng cần có kiến thức chuyên sâu về tôn giáo. "Là sản phẩm mới, đối tượng khách đặc biệt nên công tác truyền thông cần phải chuyên biệt. Công tác điều hành đối với sản phẩm này cũng khác biệt so với tour du lịch thuần túy: Công ty phải bàn bạc với chùa để thu xếp khung giờ cho khách tham gia khóa thiền (tránh trùng với lịch hoạt động của chùa) và bố trí sư/thầy - người hướng dẫn kỹ thuật thiền cho du khách", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh khẳng định.

Hiện nay, không chỉ những người trung niên hoặc cao tuổi, du lịch tự túc đến các chùa, đình, vãn cảnh, ngồi thiền, nghe giảng đạo, thưởng thức cơm chay,… mà nhiều du khách trẻ cũng yêu thích du lịch thiền. Loại hình du lịch này tiết kiệm chi phí và thực sự bổ ích. Chị Vũ Hoàng Anh, giáo viên dạy toán trường THPT Thượng Cát, Hà Nội cho biết: “Từ vài năm nay, thi thoảng tôi dành thời gian tham gia những chuyến đi trong nội thành đến các chùa tập thiền, ăn cơm chay… Những chuyến đi như vậy giúp tôi cảm thấy thư thái, tĩnh tâm và lấy lại cân bằng trong cuộc sống”.

Du lịch thiền hứa hẹn sẽ mang lại kết quả tích cực bởi lẽ việc phát triển sẽ loại hình du lịch này không chỉ góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Việt Nam mà còn là cách để bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa truyền thống có liên quan đến Phật giáo.

Du lịch thiền là loại hình du lịch của tương lai, đầu tư ít, đem lại hiệu quả lớn. Nó lại rất thân thiện với môi trường và mang lại cho du khách những giá trị tinh thần, sự thư giãn thanh tịnh từ sâu thẳm tiềm thức trong nhịp sống hối hả và ồn ào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch thiền: Đầu tư thấp, hiệu quả cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.