(HNMCT) - Với doanh thu 5,7 nghìn tỷ USD/ năm, tạo ra khoảng 319 triệu việc làm, lâu nay du lịch vẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi nhanh chóng lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến rất nhiều nước phải hạn chế đi lại, ngành Du lịch thế giới gần như bị “đóng băng” và rơi vào khủng hoảng. Nếu không kịp thời đưa ra những chính sách ứng phó, thiệt hại nặng nề của ngành Du lịch có thể trở thành lực cản đối với nền kinh tế thế giới sau khi dịch kết thúc.
Ứng phó với “cú sốc”
Theo đánh giá từ tập đoàn Oxford Economics, nếu đo lường toàn bộ tác động của ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nó sẽ lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trên thế giới. Bởi đây là một ngành công nghiệp đa dạng, trong đó bao gồm cả hoạt động của các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng... Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) Gloria Guevara cho biết, dịch Covid-19 có thể khiến ngành Du lịch toàn cầu thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD do sự sụt giảm lượng du khách và chi tiêu liên quan. Tuy nhiên, mức thiệt hại này vẫn được xem là kịch bản khả quan nhất.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài tương tự như dịch SARS vốn bùng phát từ tháng 11-2002 và được kiểm soát vào tháng 7-2003, con số thiệt hại có thể tăng lên 49 tỷ USD. Đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất sẽ là những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, Campuchia hay Philippines...
Để ứng phó với “cú sốc” này, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết họ sẽ nhanh chóng thành lập một ủy ban toàn cầu về khủng hoảng của ngành Du lịch. Quyết định được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của các cơ quan Liên hợp quốc như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) để triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 dựa trên các khuyến nghị y tế cộng đồng. Nhiệm vụ của ủy ban này là tổ chức các cuộc họp trực tuyến định kỳ để đánh giá và đề xuất các giải pháp tương ứng với tình hình thực tế.
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết, thiệt hại của ngành Du lịch vượt xa những dự báo trước đây. Sinh kế của hàng triệu người và gia đình họ đang bị đe dọa, dù ở trung tâm thành thị hay những khu vực hẻo lánh, nơi du lịch đang là nguồn thu nhập chính, là phương tiện hòa nhập xã hội, là nguồn lực để bảo vệ di sản và thúc đẩy phát triển. Trong những ngày tới, UNWTO sẽ ban hành một bộ khuyến nghị để hồi phục ngành Du lịch, trong đó nêu bật những bước đi cụ thể mà các chính phủ và cơ quan quản lý cần áp dụng để giảm tác động của Covid-19 đến lĩnh vực du lịch, sau đó là đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Hợp tác để giảm thiệt hại
Song song với hành động của UNWTO, các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch cũng chủ động đưa ra những biện pháp nhằm giảm thiệt hại trong giai đoạn khó khăn này. Ngay từ đầu tháng 2, chính phủ Thái Lan đã công bố chính sách hỗ trợ khẩn cấp dành cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các biện pháp hỗ trợ này bao gồm các gói cho vay ưu đãi; các ngân hàng nhà nước tạm dừng thu tiền gốc và lãi của các khoản vay trong vòng 6 tháng; Bộ Tài chính Thái Lan giảm thuế nhiên liệu hàng không từ 4,726 baht/lít xuống 0,20 baht/lít và tạm ngừng thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 6 tháng cho các doanh nghiệp du lịch.
Theo ông Yuthasak Supasorn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), chính phủ đã đồng ý nâng cấp trung tâm hỗ trợ du lịch thành đơn vị dịch vụ "một cửa", chịu trách nhiệm theo dõi tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch của nước này. Để duy trì mục tiêu đạt 41,8 triệu lượt khách quốc tế đến Thái Lan trong năm nay, với doanh thu 2,22 nghìn tỷ baht, TAT cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động tiếp thị sang các thị trường ngoài Trung Quốc, bao gồm Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Ukraina, Đông Âu, Mỹ, Mexico... ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Hiện tại, các doanh nghiệp du lịch đang tìm nhiều giải pháp tích cực để tự cứu mình trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng. Mới đây, trên một trang web chuyên về du lịch có bài viết về cách mà ba doanh nghiệp du lịch đối mặt với khủng hoảng, đó là: GetYourGuide và Omio có trụ sở tại Berlin (Đức), TravelPerk có trụ sở ở Barcelona (Tây Ban Nha). Đây đều là những “lính mới” trong ngành "công nghiệp không khói". Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cách họ đang giải quyết khó khăn cho thấy những doanh nghiệp này sẽ sở hữu một triển vọng sáng sủa trong tương lai.
Giám đốc các doanh nghiệp này cho biết, có ba điều họ tập trung xử lý trong giai đoạn này. Thứ nhất là giải pháp dành cho những khách hàng đã đặt lịch trình du lịch song buộc phải tạm dừng. Hiện tại, nhân viên của những công ty du lịch nói trên đang nỗ lực đàm phán với khách để bảo lưu đơn đặt hàng kèm theo những gói ưu đãi khi hết dịch. Thứ hai, cố gắng thuyết phục các nhân viên chia sẻ khó khăn với công ty và đưa ra những hỗ trợ cần thiết nhằm “bảo toàn lực lượng”, sẵn sàng vào cuộc ngay khi có thể. Thứ ba, xây dựng chiến lược mới cho thời kỳ hậu Covid-19. Theo họ, khi chấm dứt dịch bệnh, nhu cầu du lịch sẽ bùng nổ trở lại giống như quy luật của lò xo để bù lại những ngày phải hạn chế đi lại. Doanh nghiệp nào chuẩn bị tốt trong thời gian này thì sẽ nắm được cơ hội lớn trong thời gian tới.
Với sự hợp lực chung trên quy mô rộng và nỗ lực riêng của từng quốc gia, từng doanh nghiệp, hy vọng những tác động của cuộc khủng hoảng lần này sẽ không vượt quá tầm kiểm soát của ngành Du lịch. Đúng như nhận định của các thành viên UNWTO: “Một thách thức chung sẽ chỉ được giải quyết bằng sự hợp tác, và sự khôi phục phụ thuộc vào những nỗ lực chung trên quy mô lớn chưa từng có”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.