(HNM) - Đất Phú Yên có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng cả nước vẫn còn đậm nét nguyên sơ, có ẩm thực đa dạng, đặc sắc và con người hồn hậu, mến khách… đang hy vọng đón nhận sự mê say đến đường đột của lữ khách thập phương trong tương lai gần...
"Hoa vàng trên cỏ xanh"
Mong mãi rồi cũng có ngày tôi đến được Phú Yên, nhất là từ khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" với những cảnh quay đẹp như tranh được công chiếu. Tiếp đó là hàng trăm bức ảnh mà bạn tôi lặn lội từ Hà Nội vào Phú Yên chụp với tựa đề "Tôi muốn giới thiệu với các bạn những câu chuyện bằng ảnh về miền đất hoa vàng trên cỏ xanh". Bạn tôi nói chỉ được ở Phú Yên trong 62 tiếng, lần sau đến sẽ ở hẳn vài tuần.
Di tích lịch sử tàu không số - Đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Biết tôi lần đầu đến Phú Yên, quỹ thời gian lại hạn hẹp (cũng chỉ chừng 70 tiếng), Sở VH,TT&DL tỉnh "cấp" cho hẳn một hướng dẫn viên du lịch "xịn". Nhờ đó, tôi tới được nhiều "điểm nhấn" thay vì phải cầm bản đồ vừa đi vừa hỏi đường. Với 190km bờ biển, Phú Yên có rất nhiều bãi tắm đẹp và hầu hết còn rất hoang sơ, như bãi Môn, bãi Tiên, bãi Xép, bãi Tràm, bãi Từ Nham… Song ấn tượng nhất với tôi là ghềnh Đá Đĩa, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 40km. Nhìn từ xa nơi đây không khác nào một tổ ong khổng lồ. Hàng chục ngàn cột đá ken đều chằn chặn, khít nhau như có bàn tay sắp đặt của con người, trải dài trên diện tích khoảng 1.000m2. Đá ở đây có màu đen hoặc màu vàng, lốm đốm tổ ong, nửa chìm nửa nổi theo con nước thủy triều. Mỗi viên đá cao chừng 60 - 80cm. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng. Có những chỗ lại trải dài hoặc nghiêng nghiêng, trông như những chiếc đĩa đặt chồng lên nhau một cách "cẩu thả" của tạo hóa. Các cột đá mang hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn như chiếc đĩa. Theo chị Trần Cẩm Dân, hướng dẫn viên của Sở VH,TT&DL Phú Yên, các nhà nghiên cứu địa chất cho biết, đá ở đây là loại đá bazan được hình thành do hoạt động của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Trên thế giới chỉ có vài nơi có "đặc sản" này gồm Phú Yên của Việt Nam, County Antrim, bờ biển phía Đông Bắc Ireland và ở đảo Jeju Hàn Quốc.
Ấn tượng tiếp theo phải kể đến là Bãi Môn - Mũi Điện, cách Tuy Hòa chừng 25km, được người Pháp phát hiện và xây dựng từ cuối thế kỷ XIX nhằm định hướng cho tàu thuyền ra vào vịnh Vũng Rô. Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có trên 100 tuổi của Việt Nam và là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất. Ngay dưới chân ngọn hải đăng này là Mũi Đại Lãnh. Để trở thành một trong những người đón bình minh sớm nhất trong ngày, phải thức dậy từ 4h sáng, đi ô tô đến Mũi Đại Lãnh, sau đó leo khoảng 400 bậc đá và bê tông trên con đường núi… Khá vất vả nhưng vô cùng thú vị.
Phú Yên còn nhiều, nhiều lắm thắng cảnh làm kích thích sức sáng tạo của những tay săn ảnh. Như Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài là thương cảng của Phú Yên trong quá khứ, nơi diễn ra sự kiện ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 1832; di tích lịch sử Vũng Rô gắn với huyền thoại những con tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển; thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan sơn thủy hữu tình với lễ hội đua thuyền truyền thống vào tháng Giêng âm lịch hằng năm; nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma (Italia); tháp Nhạn - một trong những ngôi tháp Chăm cổ kính nhất của Việt Nam…
Còn ăn uống ở Phú Yên đúng là ngon, bổ, rẻ. Nhiều món ăn hấp dẫn của Phú Yên đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận trong top 10 đặc sản biển Việt Nam như sò huyết và hàu đầm Ô Loan, cá ngừ đại dương, ghẹ đầm Cù Mông… Một đĩa sò huyết nướng ăn ngay trên nhà hàng nổi trên đầm Ô Loan có giá khoảng 100 ngàn đồng; một món đặc sản không thể không ăn khi đến Phú Yên là mắt cá ngừ đại dương được chế biến khá công phu cũng chỉ 25-30 ngàn đồng/tô nhỏ…
Ghềnh Đá Đĩa thu hút nhiều khách du lịch. |
"Nàng tiên" đang tỉnh giấc
Phong cảnh đẹp, thức ăn ngon thế nhưng sao khách đến du lịch Phú Yên còn vắng quá. Đấy là nỗi trăn trở của không chỉ những người làm du lịch mảnh đất này. Trong khi nhiều địa phương đang loay hoay để khách quay lại thì Phú Yên vẫn đang vất vả với việc làm sao đưa được khách đến. Phải có khách đến đã rồi mới nghĩ được tiếp chuyện khách có quay lại hay không. Cả năm 2014, đất này đón hơn 755.000 lượt khách du lịch (có hơn 77.000 lượt khách quốc tế). Năm 2015, mặc dù dịch vụ du lịch được đánh giá là có bước phát triển nhưng cũng chỉ khoảng 900.000 lượt, thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận dọc dải ven biển miền Trung như
Khánh Hòa, Bình Định…
Là một trong những cửa ngõ hướng ra biển Đông của cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn nhưng có thể nói, giao thông kết nối của Phú Yên còn yếu. Có sân bay nhưng trong nhiều năm, mỗi tuần Cảng hàng không Tuy Hòa chỉ lèo tèo đón vài chuyến bay của Vietnam Airlines đưa khách từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến trên những chiếc máy bay loại nhỏ ATR-72 (loại chở tối đa 68 khách). Về đường bộ, Phú Yên bị kẹp giữa hai con đèo hiểm trở là Đèo Cả và đèo Cù Mông nên giao thông cách biệt… Tôi vào Tuy Hòa đúng hôm tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành cả 2 đầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cũng có nhiều ý kiến tâm tư lắm. Có người bảo cơ sở hạ tầng du lịch của Phú Yên còn yếu. Sản phẩm du lịch của Phú Yên mới chỉ dừng lại ở việc đưa du khách đi ngắm ghềnh Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện; ngắm san hô tại các hòn đảo ven bờ và thưởng thức đặc sản biển... Những tour độc đáo hấp dẫn du khách còn thiếu. Dịch vụ giải trí ban đêm cũng chưa có. Chỉ 21-22h đêm thành phố gần như tắt đèn. Mấy năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đôn đáo ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh… rồi sang cả nước ngoài tham dự các hội nghị xúc tiến du lịch, nhưng nhìn chung kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Câu chuyện "nàng tiên còn đang say ngủ" để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Để phát triển du lịch, tỉnh đang tập trung phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, vui chơi giải trí; phát triển hệ thống phương tiện vận tải thủy, du thuyền, bến thuyền để từng bước hình thành một số tuyến du lịch đường thủy trọng điểm tại vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông…
Hướng dẫn viên Trần Cẩm Dân hỏi: "Anh thấy Phú Yên thế nào? Sẽ còn quay lại đây chứ?!". Tôi nói, với cá nhân mình thì "nàng tiên" này đã tỉnh ngủ. Giờ đã có máy bay to của Jetstar Pacific tuần 7-8 chuyến chở khách đến Tuy Hòa chứ không còn là máy bay nhỏ ATR-72 nữa. Dự án giao thông hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông cũng đang được tập trung triển khai sẽ mở toang cánh cửa giao thương cho Phú Yên. Cảnh sắc như thế, con người hồn hậu như thế, chắc chắn mình sẽ quay lại, có thể ngay trong mùa hè tới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.