(HNM) - Huyện Ba Vì có nhiều lợi thế phát triển du lịch với hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt, hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng. Trong chiến lược phát triển ngành kinh tế "không khói" này, Ba Vì đặt mục tiêu đến năm 2015 đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế trọng điểm, hiệu quả kinh tế cao.
Khơi dậy tiềm năng
Nhắc đến hiệu quả phát triển du lịch Ba Vì, hơn ai hết những người dân các xã miền núi là rõ nhất. Chị Đinh Thị Hiền, người dân tộc Mường, xã Minh Quang, chia sẻ: "Từ ngày đường giao thông được đầu tư, đời sống người Mường thay đổi rõ rệt. Du khách khắp nơi về lễ Thánh Tản Viên, nên ngành dịch vụ thêm thuận lợi để phát triển, nhiều hộ dân ăn nên làm ra".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, tiềm năng du lịch Ba Vì chủ yếu nằm ở các xã miền núi, vì vậy trong hai năm qua khu vực này đã được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng để thu hút du khách. Con đường huyết mạch 415 được đầu tư, mở rộng với kinh phí 64 tỷ đồng đã mở hướng khai thác du lịch sinh thái, tâm linh tại 3 xã miền núi là Ba Vì, Minh Quang và Khánh Thượng. Tuyến đường từ đường 414 (87 cũ) đi Khu du lịch Ao Vua với số vốn đầu tư 45 tỷ đồng; đường Vườn quốc gia Ba Vì đi Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà, Khu du lịch Long Việt với số vốn đầu tư 38 tỷ đồng đang khởi động. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên, nơi có nghề trồng và chế biến thuốc Nam của người Dao nức tiếng, được chọn là một trong những điểm thực hiện dự án "Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng", cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch.
Tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch ở Ba Vì hiếm địa phương nào sánh được. Khu vực sườn đông núi Ba Vì gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, có thiên nhiên hùng vĩ với những thác, suối và những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn màu xanh, rất phù hợp phát triển du lịch sinh thái. Khu vực sườn Tây (bao gồm 3 xã Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì) có tổng diện tích hơn 8.000ha thì có tới hơn 2.000ha nằm trên độ cao 100m, khung cảnh thoáng đãng, một bên là núi nhìn ra sông Đà thơ mộng, một bên là di tích đền Hạ, Trung, Thượng đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia; cùng các hồ suối Bóp, suối Mít, suối Di có điều kiện phát triển du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng. Hệ thống sông, hồ như Suối Hai với diện tích mặt nước 950ha và nhiều hòn đảo lớn nhỏ đã được Nhà nước đưa vào một trong 19 khu du lịch chuyên đề cấp quốc gia; hồ Cầm Quỳ; suối nước khoáng nóng Thuần Mỹ; những đồng cỏ xanh mướt cùng các trang trại bò sữa... càng tôn thêm sự đa dạng, phong phú cho thiên nhiên Ba Vì.
Hướng đến phát triển chuyên nghiệp, bền vững
Đến thời điểm này, Ba Vì có 15 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm chủ yếu như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, cộng đồng, hội thảo... trong đó hai loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hoạt động rất hiệu quả. Một số đơn vị hoạt động tốt là Du lịch Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà, Đầm Long, Vườn quốc gia Ba Vì... Trong hai năm 2011 và 2012, ngành du lịch Ba Vì đạt doanh thu 320 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 34,3%/năm; tổng lượng du khách đạt hơn 4,3 triệu lượt người. Trong 6 tháng đầu năm 2013, du lịch Ba Vì đã đón 1,16 triệu lượt người, tăng 0,8% so với cùng kỳ, đạt 50,2% kế hoạch năm, doanh thu đạt 100 tỷ đồng, tăng 16,3%. "Thông qua phục vụ khách du lịch đã làm chuyển biến về nhận thức, nâng cao dân trí và tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động tại chỗ cùng 3.000 lao động ở những khu vực lân cận, đồng thời giảm đáng kể tệ nạn xã hội" - ông Bạch Công Tiến cho hay.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng du lịch Ba Vì vẫn đang phải đối mặt những thách thức không nhỏ. Đó là chưa có quy hoạch tổng thể du lịch Ba Vì; nhiều dự án vẫn "treo" vì chưa có quy hoạch, thiếu vốn; phát triển theo mùa vụ; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng và chưa xây dựng được tour du lịch khép kín trên địa bàn... Khắc phục khó khăn, Ba Vì tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế trọng điểm với mục tiêu năm 2015 đạt 2,6 triệu lượt khách, doanh thu 200 tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ khoảng 3.500 lao động và thu hút 10.000 lao động kinh doanh dịch vụ.
Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng, thời gian tới, huyện sẽ đầu tư xây dựng các khu trung tâm du lịch đồng bộ và quan tâm đến phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch; quy hoạch ba vùng du lịch chính gồm vùng chân núi Ba Vì, khu vực Suối Hai và vùng phụ cận, khu vực nước khoáng nóng Thuần Mỹ và vùng sông Tích. Ba Vì sẽ tập trung phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Ba Vì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.