(HNMO) - Ngay sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư được kiểm soát, các đơn vị lữ hành đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú để hoạt động du lịch nhanh chóng trở lại. Không ít đơn vị "tung" ra nhiều tour mới với lời mời chào hấp dẫn về giá cả, dịch vụ, tạo nên một sự "bùng nổ" với số lượng khách đăng ký tăng nhanh ngay trong tháng 3.
Sôi động các dịch vụ du lịch
Từ đầu tháng 3-2021, khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư được kiểm soát trên phạm vi cả nước, nhiều đơn vị lữ hành đã đồng loạt khởi động lại các dịch vụ, giới thiệu nhiều tour hấp dẫn. Hoạt động du lịch đã cho thấy sự khởi sắc từ đầu tháng 3 khi lượng khách đi du lịch ngày càng đông hơn.
Cụ thể, Câu lạc bộ VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) sau khi giới thiệu sản phẩm du lịch mới - du lịch caravan (tự lái xe) "Tây Bắc - Mùa ban nở", đã thu hút hơn 100 người tham gia và có chuyến xuất hành đầu tiên vào ngày 12-3. Công ty du lịch VietSense cũng có nhiều đoàn khởi hành từ ngày 6-3 với số lượng gần 100 khách/tuần. Công ty Vietravel khu vực phía Bắc đón hơn 300 khách trong những ngày đầu tháng 3. Công ty du lịch Flamingo Redtours có đoàn lớn gần 100 khách đi Tây Nguyên, Buôn Mê Thuột, Mộc Châu (Sơn La)...
Tại Hà Nội, các điểm di tích cũng cho thấy sự khởi sắc trong những ngày đầu mở cửa trở lại đón khách. Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, mặc dù lượng khách chưa đông như thời điểm trước làn sóng dịch thứ tư bùng phát nhưng đơn vị đã đón nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm cả ban ngày và ban đêm.
Còn Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến thông tin, ngay trong "Tuần lễ áo dài", khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh, trong đó có nhiều du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Đẩy mạnh kích cầu, tăng chất lượng sản phẩm
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đang cùng các đơn vị hàng không, lữ hành, lưu trú, vận chuyển lên kế hoạch để thực hiện các chính sách kích cầu du lịch phù hợp, nhanh chóng phục hồi thị trường du lịch Thủ đô.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: "Các chính sách kích cầu không chỉ tập trung vào việc giảm giá, mà quan trọng nhất là vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng các hình thức trải nghiệm mới cho du khách".
Về giải pháp phục hồi thị trường du lịch, theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn xây dựng sản phẩm du lịch mang tính bền vững, phù hợp với diễn biến mới của dịch. Tới đây, Câu lạc bộ VGreen do Hội thành lập sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam xây dựng sản phẩm trải nghiệm khám phá văn hóa, lịch sử có tính kết nối từ Hà Nội tới các địa phương khác.
Đồng quan điểm với chiến lược kích cầu du lịch cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho biết, đơn vị đang xây dựng nhiều tour mới ngay trong tháng 3 và hướng tới mùa cao điểm là kỳ nghỉ lễ 30-4 và du lịch hè. "Các sản phẩm du lịch lần này không chỉ tập trung vào những thị trường trọng điểm ở miền Trung, Tây Nguyên, mà sẽ mở rộng khai thác tới nhiều điểm đến và hình thức trải nghiệm mới để mang đến sự mới lạ, độc đáo cho du khách", ông Nguyễn Văn Tài nói.
Hiện nay, du lịch Thủ đô đã sẵn sàng triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch. Ngay trong tháng 4, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội sẽ triển khai sự kiện Lễ hội kích cầu du lịch Hà Nội. Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp các địa phương như quận Hoàn Kiếm, thị xã Sơn Tây, huyện Mỹ Đức xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng của Hà Nội, trước mắt sẽ tập trung khai thác và quảng bá sản phẩm du lịch "Hà Nội 12 mùa hoa" để hấp dẫn khách nội địa, tiến tới thu hút khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.