(HNM) - Hàng vạn du khách từ mọi miền Tổ quốc, khách quốc tế đến Hà Nội dịp Đại lễ để tận hưởng không khí náo nức cùng những cảm nhận về một Thủ đô 1000 tuổi linh thiêng và hào hoa. Những địa danh đã gắn bó và trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nội như: Hồ Gươm, phố cổ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Tây... đang trở thành tâm điểm hấp dẫn khách du lịch.
Phục vụ hết công suất
Trong những ngày này, Hồ Gươm, linh thiêng của đất ngàn năm Thăng Long thu hút hàng triệu du khách. Họ đến đây để chứng kiến thời khắc trọng đại khi Thủ đô Hà Nội yêu dấu bước vào ngưỡng cửa nghìn năm tuổi và cũng để hòa mình trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật được trang hoàng lộng lẫy.
Du khách nước ngoài đến Thủ đô trong những ngày Đại lễ. Ảnh: Internet |
Lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào đúng dịp Thủ đô Hà Nội kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, chị Cristina (du khách New Zealand) cảm thấy mình thật may mắn. Chị tâm sự: "Hà Nội thật đẹp với lối kiến trúc cổ kính kết hợp hiện đại. Điều làm tôi ngạc nhiên là giữa một Thủ đô hiện đại lại có một hồ nước đẹp và thơ mộng đến vậy. Khi màn đêm buông xuống, Hồ Gươm càng thêm lung linh và huyền ảo. Thật may mắn khi tôi có mặt tại đây để cùng các bạn chào đón Hà Nội 1000 năm tuổi".
Lượng khách đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội những ngày diễn ra Đại lễ gia tăng đột biến. Chính vì vậy, hai loại phương tiện phục vụ du khách là xe ô tô điện và xích lô đã phải làm việc hết công suất. Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, trong những ngày diễn ra Đại lễ, nhu cầu tham gia tour du lịch bằng xe ô tô điện khám phá phố cổ và hồ Hoàn Kiếm của du khách rất lớn. Tuy nhiên, với lượng xe có hạn, công ty chỉ có thể phục vụ hơn 1.000 lượt khách/ngày. Thậm chí, nhiều du khách đã phải chờ đợi 2-3 tiếng đồng hồ mới có được chỗ trên xe. "Đáng mừng, lượng khách quốc tế đã tăng lên đáng kể, chiếm 30% tổng số khách đi xe điện dịp Đại lễ. Dự kiến, vào ngày 15-10 tới, công ty sẽ nhập thêm 8 xe nữa để phục vụ du khách", ông Đỗ Xuân Thủy nhấn mạnh.
Không chỉ có xe ô tô điện, xích lô - một phương tiện giao thông được du khách nước ngoài yêu thích mỗi khi đặt chân đến phố cổ Hà Nội cũng lâm vào tình trạng quá tải. Khoảng 500 chiếc xích lô đã được cấp phép hoạt động trên địa bàn khu phố cổ quận Hoàn Kiếm luôn kín chỗ. Anh Hùng, một người lái xích lô cho biết: "Những ngày này, cùng với sự nhộn nhịp của Thủ đô 1000 tuổi, người chạy xích lô như chúng tôi cũng tất bật hơn. Lịch làm việc hầu như kín cả ngày. Nhờ vậy, thu nhập của anh em cũng khá hơn".
Cơ hội để các nghệ nhân trổ tài
Trên khắp các nẻo đường Hà Nội đâu đâu cũng nhộn nhịp bước chân du khách. Họ đến đây chung vui với người dân Thủ đô và cũng muốn lưu giữ những kỷ niệm nghìn năm có một này. Và những món quà lưu niệm truyền thống như tranh thêu, tượng đá, đĩa gỗ, nón lá, áo dài… được nhiều du khách yêu thích. Nhờ đó, những nghệ nhân của các làng nghề truyền thống được dịp trổ tài.
Vừa chạm khắc bức tượng Phật Di Lặc, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Hồ, làng nghề sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) vừa cho biết, làng nghề chúng tôi góp vui với Đại lễ bằng những sản phẩm lưu niệm như đũa, lược, đồ trang trí, tượng… có hình ảnh những địa danh nổi tiếng của Hà Nội. Những món quà này đang bán rất chạy, chủ yếu phục vụ du khách các tỉnh miền Nam, miền Trung và khách nước ngoài. Còn để có được 1.000 chiếc đĩa gỗ chạm khắc hình Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm… phục vụ du khách dịp Đại lễ, xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Văn Dư đã phải làm việc suốt ngày đêm. Anh Dư tâm sự, sản phẩm thủ công phục vụ Đại lễ khác với những sản phẩm thủ công thông thường. Bởi vì ở mỗi sản phẩm ấy còn chứa đựng cả cái hồn mà người nghệ nhân gửi gắm, đó là tâm huyết, tấm lòng và tình yêu lớn lao đối với Hà Nội.
Không chỉ những món quà lưu niệm trên những con phố như Hàng Gai, Hàng Bông, Nguyễn Thái Học… được du khách lựa chọn mà ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều du khách nước ngoài say mê thưởng thức nghệ thuật thư pháp và khi rời khỏi đây đã mang theo bức thư pháp như một món quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Bà Daniel Vanessa (du khách Pháp) nhận xét, tôi đã mua được nhiều món quà lưu niệm độc đáo, trong đó tôi thích nhất bức thư pháp chữ "Tâm" tại Văn Miếu. Tôi sẽ mang về Pháp và treo bức thư pháp đó trang trọng trong phòng khách của gia đình để nhớ về một Hà Nội trong lòng đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và anh hùng. Chắc chắn, tôi và gia đình sẽ quay lại đây.
Cảm nhận của bà Vanessa cũng là cảm nhận chung của nhiều du khách quốc tế khi đặt chân đến Hà Nội vào "thời khắc vàng" này. Dự kiến, sự kiện Hà Nội tròn 1000 năm tuổi sẽ thu hút khoảng 1 triệu lượt khách. Hy vọng, từ những ấn tượng tốt đẹp của du khách trong dịp Đại lễ, du lịch Hà Nội sẽ… "cất cánh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.